Cá sấu (Crocodylinae) là tên gọi chung, được sử dụng một cách lỏng lẻo để chỉ tất cả các thành viên trong bộ cá sấu (Crocodilia).
Xem thêm:
Bao gồm cá sấu đích thực (họ Crocodylidae), cá sấu mõm ngắn (chi Alligator, họ Alligatoridae) và cá sấu Caiman (các chi Caiman, Melanosuchus, Paleosuchus, cùng họ Alligatoridae) và cá sấu sông Hằng (họ Gavialidae).
Mô tả
Đây là loài động vật cao cấp nhất trong tất cả các loài bò sát. Chúng có tim 4 ngăn, cơ hoành và vỏ não. Nhờ vào những đặc điểm này mà chúng được đánh giá là tiến hóa hơn những loài lưỡng cư khác.
Chúng là loài ăn thịt và là kẻ đi săn siêu hạng. Chúng có thể bơi nhanh dưới nước nhờ vào cơ thể thon dài, khi bơi chúng ép sát các chân vào thân để giảm lực cản của nước. Hơn nữa trên 4 chân của chúng đều có các màng, nhưng các màng này không dùng để quạt nước, mà được sử dụng cho những cử động nhanh đột ngột hoặc lúc mới bắt đầu bơi. Sự xuất hiện các màng ở chân giúp chúng có lợi thế rất lớn tại các vùng nước nông, nơi mà các con vật trên cạn thường xuyên qua lại.
Kích thước của cá sấu có thể thay đổi đáng kể giữa các loài cá sấu lùn và cá sấu nước mặn khổng lồ. Một số loài có thể đạt chiều dài cơ thể từ 5 đến 6 mét với cân nặng lên đến 1200kg. Loài lớn nhất là cá sấu nước mặn sống ở Bắc Úc và Đông Nam Á, chúng có kích thước chiều dài cơ thể lên đến 8,64m.
Phân bố – Môi trường sống
Đây là loài bò sát lớn ưa thích môi trường nước, chúng sống trên một diện tích rộng của khu vực nhiệt đới tại châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Đại Dương. Chúng có xu hướng sinh sống tại các vùng sông hồ, những nơi có lực nước chảy chậm.
Săn mồi
Thức ăn khá đa dạng chủ yếu là các động vật có vú kể cả con mồi đang sống hay đã chết.
Những loài cá sấu lớn có thể sẽ rất nguy hiểm đối với con người. Cá sấu cửa sông và cá sấu sông nile là những loài nguy hiểm nhất, hàng năm chúng có thể giết chết đến hàng trăm người, tại các khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Cá sấu mõm ngắn và có thể cả cá sấu caiman đen hiện đang trong tình trạng nguy cấp được liệt kê trong sách đỏ.
Chúng có quai hàm rất khoẻ và một bộ răng sắc nhọn để xé xác con mồi. Kèm theo đó là những móng vuốt sắc khoẻ. Tuy nhiên cá sấu không thể há miệng nếu miệng bị khép chặt. Một số câu chuyện về việc con người sống sót, khi đối mặt với cá sấu sông nile mõm dài, là tìm cách khép chặt quai hàm của chúng khiến chúng không thể sử dụng cơ hàm và những cái răng sắc nhọn.
Cá sấu rất nhanh nhẹn khi ở khoảng cách gần, thậm chí ngay cả khi chúng ở ngoài môi trường nước. Chúng là những kẻ đi săn theo kiểu mai phục, chúng chờ đợi con mồi tiến đến gần sau đó tấn công chớp nhoáng.
Sau khi sử dụng cú đớp trời giáng của mình, cá sấu kéo nạn nhân xuống nước để nhấn chìm đến khi con mồi ngạt thở. Tiếp theo nó dùng miệng ngoạm thật chặt miếng thịt, xoay người nhiều vòng để dứt miếng thịt ra. Tuy nhiên lúc này nó không đơn độc một mình với con mồi. Máu từ con mồi chảy ra sẽ kêu gọi những con cá sấu khác đến để chia phần. Và kết quả là con mồi thường sẽ bị xé ra hàng trăm mảnh nhỏ bởi những bộ hàm khoẻ mạnh và những cú xoay người mãnh liệt.
Chúng là loài động vật ăn thịt máu lạnh, chúng có thể sống nhiều ngày mà không cần thức ăn, và hiếm khi thấy chúng cần thiết đến mức tích cực săn mồi.
Mặc dù có vẻ ngoài chậm chạp, nhưng chúng là những kẻ săn mồi thượng hạng trong môi trường của chúng. Nó có thể tấn công và giết chết cả sư tử và hổ nếu những loài mãnh thú này lọt vào môi trường nước. Các loài động vật móng guốc lớn và thậm chí là cá mập.
Loài cá này có mối quan hệ cộng sinh với loài chim choi choi Ai Cập (Pluvianus aegyptius). Chim choi choi ăn các ký sinh trùng sống trong miệng cá sấu, và nó để cho chim tự do làm việc này.
Sinh sản
Vào mùa sinh sản cá sấu đực khá ầm ỉ, chúng phát ra những thứ âm thanh có thể so sánh với tiếng động cơ của những chiếc máy bay cỡ nhỏ. Thứ âm thanh này có thể lan truyền nhiều cây số trong nước.
Thứ âm thanh này sẽ thu hút những con cá sấu cái, và tất nhiên cũng sẽ thu hút thêm các con đực khác. Rất nhanh chóng, hàng chục con cá sấu đực khác sẽ kéo đến cùng cất lên những lời ca trầm hùng, đôi khi chúng còn làm rung động mặt nước phía trên lưng chúng, khiến nước bắn lên cao rung động cả một vùng.
Sau khi giao phối, cá mẹ đào một cái hang trên đất, thường là trên cát. Rồi tiến hành đẻ đẻ từ 7 đến 95 trứng tuỳ theo từng loài. Những quả trứng có thể nở ra cá sấu đực hoặc cái là phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, trong đó nhiệt độ khoảng 30° C sẽ tạo ra cá sấu cái và từ 32 đến 33° C sẽ nở ra cá sấu đực.
Thời gian ấp trứng giao động từ 65 đến 95 ngày tuỳ theo từng loài. Khi những quả trứng nở và phát ra các tiếng kêu, cá mẹ hoặc bố ở quanh đó sẽ xuất hiện và dùng miệng ngậm lấy từng con non di chuyển chúng đến nơi có nước.
Cá sấu bố mẹ sẽ tích cực chăm sóc và bảo vệ các con non khoảng 1 năm, và sẽ để chúng tự lập trước khi mùa sinh sản tiếp theo bắt đầu. Tuy có sự chăm sóc và bảo vệ từ bố mẹ nhưng, các con non vẫn có tỉ lệ tử vong rất cao.
Hiện trạng bảo tồn
Cá sấu trong thiên nhiên được bảo vệ ở một số nơi trên thế giới, nhưng chúng cũng được nuôi với mục đích thương mại, và da của chúng được sử dụng để làm túi, ủng, cặp v.v.., trong khi thịt chúng được coi là đặc sản đối với những người sành ăn.
Tuổi thọ
Cá sấu có tuổi thọ khá cao, trung bình chúng có thể sống khoảng 71 năm. Nhưng một vài cá thể có thể sống đến hơn 100 năm.
Tài liệu tham khảo: