Chim chào mào ( Pycnonotus jocosus ), chúng còn có một số tên gọi khác tuỳ theo vùng miền như Hoành hoạch mồng, chóp mũ đỏ… đây là một dạng chim sẻ được tìm thấy nhiều ở các khu vực nhiệt đới châu Á.
Xem thêm:
Mô tả
Chào mào có chiều dài cơ thể khoảng 20cm, trên lưng và đuôi có màu xám nâu, dưới cổ và bụng là một màu trắng, 2 bên tai và giữa 2 chân về phía sau có chùm lông đỏ, nên còn được gọi là chào mào đít đỏ.
Trên đầu nhô cao với một cái mào màu đen, phía dưới mào có 2 chấm đỏ, 2 bên tai là một chấm màu trắng, tạo vẻ bề ngoài chim chào mào trông khá bắt mắt.
Ở chim chưa trưởng thành không có 2 chấm đỏ sau mắt, và cũng không có chùm lông đỏ sau đít mà chỉ là chùm lông màu cam tươi.
Chim chào mào ăn gì?
Thức ăn của chào mào là trái cây và các loài côn trùng nhỏ, vào buổi sáng những con chim chào mào cất tiếng hót từ ngọn cây cao.
Môi trường sống
Môi trường sống của chim chào mào là các khu rừng nhỏ, hoặc những khu vực có nhiều lùm bụi và đất nông nghiệp.
Sinh sản
Mùa sinh sản được diễn ra từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, ở những khu vực khác nhau thường sẽ có các mùa sinh sản khác nhau. việc sinh sản có thể 1 lần hoặc 2 lần trong năm.
Tổ có dạng hình cốc, nguyên liệu làm tổ chủ yếu được lấy từ các cành cây nhỏ, rễ và cỏ … Chim mái sẽ đẻ từ 2 đến 3 quả trứng màu xám nhạt kèm theo những đốm nâu tím dày đặc, khi ấp chim mái trở nên khá hung hăng.
Trứng sẽ nở sau khoảng 12 ngày ấp, cả chim bố và mẹ sẽ cùng nhau nuôi dạy chim non, chim non sẽ được cho ăn các loài sâu bướm và côn trùng, khi chúng trưởng thành thức ăn sẽ thay thế bằng các loại quả.
Nuôi chim chào mào
Chào mào trống và mái nhìn bề ngoài trông rất giống nhau, kể cả một tay nuôi chim lâu năm đôi khi còn nhầm lẫn, tuy nhiên ta có thể dựa vào một vài chi tiết sau để chọn cho mình chim trống tốt.
Chào mào trống sẽ to hơn và cánh dài hơn chào mào mái, riêng đầu sẽ to hơn, giọng hót thì khá phong phú, có nghĩa là nó có thể đi được từ 6-9 âm thanh dài. một cách nữa là trong lưỡi chim trống sẽ có 3-4 chấm đen ở cuối lưỡi.
Lúc chọn chim thì chọn con có điệu bộ lanh lẹ, 2 viền lông màu đen bên ngực phải to và dài gần như là sắp chạm vào nhau, nếu chọn được chim như vậy thì đây đích thị là chim quý hiếm.
Còn về mào chim, thông thường nhất là có 2 dạng mũ lân và mũ rơm. mào lân là mào cong giống như sừng đầu lân, còn mũ rơm là to đều từ gốc đến đỉnh. chân thì phải to dài, mỏ chim hơi mỏng và ngắn sẽ siêng hót.
Thức ăn dành cho chào mào khi nuôi là bột cám, côn trùng, trứng kiến, và quan trọng nhất là trái cây, có thể cho chúng ăn nhiều loại trái cây mềm, như cà chua, ớt, chuối, cam, cà rốt luột lên cho mềm…
Trong lồng phải để một máng nước cho chim tắm, trên máng nước để 1 cành cây cho chim đậu, khi chim tắm để lồng ở nơi nào có nắng nhẹ, thời gian tốt nhất là vào khoảng 10h30 đến 12h, dùng nước vảy nhẹ lên người chim sau đó đổ nước khoảng 1/2 máng, khi chim bị ướt dính vào lông nó sẽ rỉa lông, rũ cho khô, nắng sẽ làm chim khó chịu và sau vài lần rũ cánh nó sẽ nhảy vào máng nước để tắm.
Chào mào thường hay bị bệnh tiêu chảy, dẫn đến xù lông và chim trở nên yếu đi, nguyên nhân có thể do máng nước lâu ngày không thay, thức ăn rơi vãi vào máng nước, cám mua bị hư hỏng, cũng có thể máng cám bị ẩm ướt, khiến thức ăn bị hư…
Cách tốt nhất là thường xuyên vệ sinh lồng chim, thay nước, thức ăn, khi chim bị bệnh hạn chế cho ăn mồi tươi, trái cây, vài ngày sau chim sẽ tự khỏi, cũng có thể dùng nước trà đậm cho chim uống để giúp chim mau khoẻ.