Chim cút hay còn gọi là chim cay ( Turnix sylvaticus ), nó có thói quen chui lủi trong các thảm thực vật, nên chúng thường được nghe nhiều hơn là thấy. Chim cút sinh sống phổ biến ở Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ.
Xem thêm:
Môi trường sống
Môi trường sống chủ yếu là các đồng cỏ ấm áp hoặc rừng cây bụi, đất nông nghiệp, tại các cánh đồng ngô, chúng có vẻ tránh các khu rừng và đồi núi rậm rạp… Khi kiếm ăn chúng thường đi một mình hoặc theo cặp và chui lủi vào các bụi cây, cộng thêm bộ lông trùng màu với môi trường sống nên bằng mắt thường rất khó phát hiện ra chúng.

Mô tả
Đây là một loài chim nhỏ, cơ thể mập mạp sinh sống trên mât đất. Chúng có đôi cánh ngắn, tròn nên bay kém, chân to, khoẻ, móng cùn. Mỏ ngắn, thích nghi với việc bới đất tìm thức ăn. Cút trống có bộ lông sặc sỡ hơn cút mái, nhất là vào mùa sinh sản. Chim non nở ra có lông che phủ có thể chạy nhảy như loài gà.
Về cơ bản bộ lông có màu nâu hung nhạt vằn vện, có nhiều chấm đậm hơn ở hai bên đầu, họng và ngực trên. Phía bụng trắng nhạt. Chân xám nhạt, mỏ xanh xám. Đây là loài chim cút nhỏ với kích thước chiều dài cơ thể khoảng 10-15cm, trung bình khoảng 11,4cm. Cút rừng trống thường nhỏ hơn cút rừng mái một chút từ 32–60 g ở chim trống và từ 39–74 g ở chim mái.
Thông thường để biết được sự hiện diện của chúng, người ta dựa vào tiếng kêu của chim trống. Các cuộc gọi được tạo ra chủ yếu vào buổi sáng, buổi chiều tối và đôi khi vào ban đêm. Thức ăn chủ yếu là côn trùng và các hạt, nhưng nó cũng ăn cả sâu bọ và các con mồi nhỏ tương tự.
Tập tính
Chim cút rất ít khi bay, trừ những trường hợp đặc biệt khiến chúng bay vụt lên rồi lại nhanh chóng hạ xuống đất ở một khoảng cách không xa, rồi tiếp tục chui rúc vào lùm bụi và biến mất.
Sinh sản
Mùa sinh sản thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Thông thường chim cút sẽ làm tổ tại các vùng đất nông nghiệp, đồng cỏ, những nơi có thảm thực vật thấp nhưng không quá xanh tốt. Tổ được làm sơ sài ngay trên mặt đất được lót bằng các sợi cỏ, và thường được nguỵ trang giữa những thân cây cỏ. Chim mẹ đẻ khoảng 4 quả trứng màu xám kèm theo các đốm, thời ấp trong khoảng từ 12 đến 14 ngày.

Trong hai đến bốn ngày đầu sau khi nở, Chim rừng bố sẽ mớm mồi cho cút con ăn. Và chúng sẽ tự ăn khi được khoảng năm ngày tuổi. Khi sợ hãi, những con cút con nằm sát mặt đất và nhắm mắt lại. Sau 7 đến 11 ngày, cút con có khả năng bay, và từ 18 đến 20 ngày tuổi chúng hoàn toàn độc lập.
Hiện trạng bảo tồn
Hiện nay số lượng chim cút đang ngày một thuyên giảm do nhiều nguyên nhân, một trong các nguyên nhân đó là do nạn săn bắt vô tội vạ của con người để lấy thịt, lấy trứng.