Chim điên bụng trắng / Brown Booby ( Sula leucogaster ) đây là một loài chim biển lớn, sinh sống phổ biến nhất, thuộc họ chim điên (booby, Sulidae). Loài chim biển này được biết đến với khả năng bay và lặn rất tốt nhưng lại khá vụng về ở khâu bay lên và hạ cánh.
Xem thêm:
- Ó Biển | Loài chim săn mồi theo bầy đàn
- Chim nhiệt đới mỏ đỏ loài chim biển có chiều dài cơ thể lên đến 1 mét

Mục Lục
Phân bố
Chim điên bụng trắng là cư dân phổ biến của Puerto Rico và Quần đảo Virgin. Chúng cũng xuất hiện ở vùng biển phía bắc Australia, các hòn đảo và bờ biển khắp các vùng nhiệt đới của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam loài chim này sinh sống theo kiểu lang thang, tại Cửa Việt và các đảo Tây Sa và rất hiếm gặp.
Môi trường sống
Chim điên bụng trắng sinh sống chủ yếu tại các vùng đảo san hô và các đảo chồng núi lửa, để làm tổ tại các vùng biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Loài chim này có vẻ thích những không gian mở trên biển, tuy nhiên chúng cũng xuất hiện tại các vách đá và sườn đồi.
Mô tả
Phần đầu và thân trên của Chim điên bụng trắng, được bao phủ bởi một lớp lông màu nâu sẫm đến đen, phần bụng là một màu trắng tương phản. Tuy nhiên cũng tùy vào khu vực địa lý mà màu sắc lông có thể thay đổi chút ít.
Bộ lông cả hai giới tính là tương tự nhau, tuy nhiên có thể phân biệt chim trống mái bằng phần chân mỏ, vùng quanh mắt. Với chim trống, vùng này chủ yếu có màu xanh và màu vàng ở chim mái. Hơn thế chim mái còn có kích thước lớn hơn chim trống một chút.

Chim điên bụng trắng mái có kích thước chiều dài cơ thể khoảng 80cm, với sải cánh khoảng 150cm và cân nặng là 1300g. Chim trống nhỏ hơn một chút với kích thước chiều dài cơ thể khoảng 75cm, sải cánh khoảng 140cm, và cân nặng vào khoảng 1000g.
Mỏ của loài chim này khá nhọn và sắc với nhiều cạnh lởm chởm. Chúng có đôi cánh khá ngắn buộc chúng phải tăng tốc độ vỗ cánh trong khi bay, tuy nhiên phần đuôi thì lại khá dài và thon.
Mặc dù chúng là những kẻ bay và lặn đầy ngoạn mục, tuy nhiên khâu hạ cánh và bay lên thì đặc biệt vụng về, chúng phải sử dụng những cơn gió mạnh và đậu trên cao để hỗ trợ cất cánh.
Chim điên bụng trắng ăn gì?
Chim điên bụng trắng tìm kiếm thức ăn ở những khu vực thấp, tại các vùng nước gần bờ. Chúng là những tay lặn cừ khôi, thường tụ tập thành bầy đàn và lao xuống nước với một tốc độ cao để bắt con mồi. Thức ăn chủ yếu là các loài cá nhỏ, mực… sinh sống gần mặt nước.
Chúng ăn hầu hết các loài cá có chiều dài từ 5 đến 40 cm, cụ thể bao gồm các loài cá như: cá chuồn ( Exocoetus ), cá phèn ( Mullidae ), Cá sơn đá, Cá bạc má ( Rastrelliger kanagurta ), và mực ( ommastrephidae ).

Để có được thức ăn, chim điên bụng trắng buộc phải lặn. Đầu tiên chúng bay lên cao trên mặt nước từ 10 đến 12 mét để quan sát con mồi, khi con mồi được phát hiện, nó bắt đầu phóng xuống, với đôi cánh xếp lại bên cạnh cơ thể và đẩy thẳng ra sau lưng, cho đến khi đôi cánh chạm hẳn vào phần trung tâm của lưng. Tùy thuộc vào độ cao trước khi lặn, mà sau khi xuống nước chúng có thể lặn sâu tận đến 2 m.
Ngoài ra loài chim biển này cũng được biết đến với khả năng, theo đuổi theo con mồi dưới nước bằng cách sử dụng đôi chân kết hợp với chuyển động của cánh. Ngoài lặn để tìm thức ăn, chúng cũng được biết đến với hành vi cướp con mồi từ những loài chim biển khác.
Sinh sản
Mùa sinh sản phụ thuộc vào nguồn thức ăn có sẵn. Ở Caribbean và phía đông Thái Bình Dương, mùa sinh sản cao điểm kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Ở trung tâm Thái Bình Dương, từ tháng 12 đến tháng 3, còn ở Hawaii là từ tháng 3 đến tháng 5. Chim điên bụng trắng là loài chim chung thủy một vợ một chồng.

Chúng sinh sản chủ yếu trên các hòn đảo và bờ biển trong các khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cùng với sự gia tăng ô nhiễm trên thế giới, chim điên bụng trắng đã sử dụng các mảnh vụn, bao gồm nhựa, mảnh vỡ và cành cây… trôi dạt vào các đảo để làm tổ ngay trên mặt đất.
Chim mẹ đẻ khoảng 2 quả trứng màu xanh phấn, thời gian ấp trứng thường là khoảng 42 ngày và do cả hai chim bố mẹ cùng làm. Tuy chim mẹ đẻ 2 quả trứng nhưng thường chỉ nuôi một con non duy nhất, vì chim non thứ hai khi nở sẽ không đủ khả năng cạnh tranh với anh chị của mình, hoặc đôi khi chim non yếu hơn còn bị chính anh chị của nó dùng mỏ đẩy ra khỏi tổ.
Chim non yếu hơn có thể bị chết vì thiếu tiếp xúc với hơi ấm, thiếu thức ăn và có thể bị ăn thịt. Chim bố mẹ thường ít can thiệp vào những hành vi này của chim non.
Chim non khỏe hơn sẽ tiếp tục được chăm sóc và được bảo vệ trong khoảng gần 100 ngày. Sau thời gian này chúng bắt đầu tự ra ngoài học cách săn mồi, sau đó trở về tổ để tiếp tục được cho ăn.
Trạng thái bảo tồn
Chim điên bụng trắng được coi là loài không có nguy cơ tuyệt chủng, và là ổn định tại thời điểm hiện tại.
Tuổi thọ
Tuổi thọ trung bình trong tự nhiên hoặc nuôi nhốt chưa được biết đến, nhưng tối đa chúng có thể sống lên đến 27,2 năm.