Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất ( Buceros bicornis ), tại một số nơi trên thế giới chúng còn được gọi với cái tên “vua của rừng”, đây cũng là loài chim lớn nhất trong họ Hồng hoàng (Bucerotidae).
Xem thêm:
- Hồng hoàng phía Nam – Loài hồng hoàng lớn nhất
- Hồng hoàng mũ cát và vấn nạn đe doạ tuyệt chủng cực kỳ nguy cấp
Mục Lục
Phân bố
Hồng hoàng được tìm thấy ở tiểu lục địa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á. Cụ thể chúng xuất hiện tại Trung Quốc, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên phần lớn số lượng loài chim này được tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ.
Môi trường sống
Hồng hoàng chủ yếu sinh sống tại các khu rừng già, nơi mà các cây phát triển tương đối dày đặt. Không như nhiều loài chim mỏ sừng khác, chim hồng hoàng có vẻ thích lui tới những khu rừng rộng lớn hơn.
Mô tả
Hồng hoàng là một loài chim lớn, với chiều dài cơ thể giao động từ 95 – 130 cm, chiều dài sải cánh trung bình lên đến 152 cm. Trọng lượng giao động từ 2 – 4 kg, chim trống thường sẽ to lớn hơn chim mái một chút.
Đặc trưng nổi bật nhất của chim hồng hoàng, là cái mỏ to cồng kềnh nhưng khá nhẹ, và phần mũ mỏ hình chữ U màu vàng tươi nhô lên cao ở phía trên đỉnh mỏ kéo dài đến xương sọ. Chiếc mũ mỏ này được tạo thành từ keratin hay chất sừng, chức năng là không rõ nhưng chiếm đến tận 11% trọng lượng cơ thể con chim.
Bộ lông chủ yếu có màu đen, trắng và một ít màu vàng. Màu đen xuất hiện ở quanh mặt, lưng, trước ngực, đôi cánh và ở giữa đuôi. Màu vàng xuất hiện phía sau đầu và một ít ở cánh.
Chim hồng hoàng mái có màu mắt màu xanh lam thay vì màu đỏ như chim trống. Giống như hầu hết các loài chim mỏ sừng khác, hồng hoàng cũng có lông mi nổi bật. Hồng hoàng trống rỉa lông để bôi chất nhờn màu vàng vào các lông cánh sơ cấp và mỏ, để chúng có màu vàng tươi hơn.
Hồng hoàng bay với nhịp đập cánh khá mạnh và nặng nề, sau đó là lướt đi ở độ cao tương đối trên nền rừng. Nhịp đập cánh của chúng mạnh đến nỗi có thể nghe được với khoảng cách khá xa trong rừng.
Chim hồng hoàng ăn gì?
Hồng hoàng thường được tìm thấy kiếm ăn theo nhóm, đôi khi là những nhóm lớn lên đến 200 con tại các cây ăn trái. Chúng tìm kiếm thức ăn dọc theo cành cây và di chuyển bằng cách nhảy.
Trong tự nhiên chế độ ăn uống của hồng hoàng bao gồm chủ yếu là trái cây rừng, quả sung là nguồn thức ăn khá quan trọng đối với loài chim này.
Hồng hoàng dùng mỏ hái trái cây và làm cho trái cây mềm ra trước khi tung thức ăn lên không trung rồi nuốt chửng. Ngoài trái cây chúng còn ăn nhiều loài động vật có vú nhỏ như loài gặm nhấm, chim, bò sát nhỏ và cả côn trùng.
Sinh sản
Mùa sinh sản thường diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4, chúng tạo thành liên kết cặp một vợ một chồng và sống trong các nhóm nhỏ gồm từ 2 đến 40 cá thể. Lúc này cả hai chim trống và mái thường đứng trên cành cây cao rồi phát ra những tiếng kêu khá to.
Hồng hoàng thường chọng những khu rừng già, nơi có những cây cao to, để làm tổ. Tổ là một cái hốc trong thân cây, cách mặt đất từ 8 – 35 m. Sau khi chúng hoàn thành các công việc tán tỉnh và giao phối, chim mái bắt đầu chui vào bên trong tổ, rồi dùng phân trát miệng tổ lại chỉ chừa một khe nhỏ.
Chim hồng hoàng có hành vi sinh sản vô cùng đặc biệt. Trong suốt mùa sinh sản chim mái bị “nhốt” trong tổ, còn chim trống ở bên ngoài có nhiệm vụ tìm kiếm và mang thức ăn về.
Chim mẹ đẻ từ 1 đến 2 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 38 đến 40 ngày. Chim non nở ra không lông bụ bẫm. Chim mẹ tiếp tục ở lại trong tổ để chăm sóc con non cho đến khi chúng có thể tự nhận thức ăn từ bên ngoài, lúc này chim mẹ sẽ phá lớp trát và thoát ra ngoài, chim non lại tiếp tục dùng phân trát lại miệng tổ.
Sau khi ra ngoài cả 2 chim bố mẹ cùng nhau mang thức ăn về cho chim non. Sau khoảng từ 72 – 96 ngày tuổi, lúc này chim non đã cứng cáp và đủ lông cánh, nó sẽ tự phá miệng tổ bay ra ngoài.
Trên phần mỏ của chim non không hề có dấu vết của mũ mỏ, cho đến năm thứ 2 của cuộc đời. Kể từ đây phần mũ mỏ bắt đầu phát triển và hoàn thiện khi chúng được khoảng 5 tuổi.
Hiện trạng bảo tồn
Hồng hoàng rất quan trọng với hệ sinh thái rừng, chúng có nhiệm vụ phân tán hạt giống, thông qua các loại hạt không tiêu hóa được. Ngoài ra chúng còn ăn các loài côn trùng có hại.
Tuy nhiên, viêc mất môi trường sống do phá rừng, khai thác gỗ và nạn săn bắn trộm ở một số khu vực, cộng thêm một phần do nhầm tưởng hồng hoàng là loài Tê điểu (Rhinoceros hornbill). Con người săn bắn tê điểu ráo riết để lấy trộm phần mủ mỏ giá trị của chúng.
Các bộ tộc cũng đe dọa loài chim này, họ săn bắn chúng để lấy các bộ phận khác nhau trên cơ thể hồng hoàng: Lông được làm đồ trang sức, mỏ và đầu chim dùng làm bùa chú và thịt được xem là dược liệu, trong khi chim non được xem là đặc sản.
Theo sách đỏ hồng hoàng được xem là loài dễ bị tổn thương (gần bị đe dọa năm 2018). Một số khu vực số lượng loài chim này đã bị suy giảm đáng kể như ở Đông Nam Á.
Tuổi thọ
Tuổi thọ của loài chim hồng hoàng khoảng 35 – 40 năm ngoài tự nhiên, còn trong điều kiện nuôi nhốt chúng có thể sống đến tận 50 năm.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn sau:
wikipedia.org
seaworld.org
birdwatchingvietnam.net
thainationalparks.com
oiseaux-birds.com