Chim Kiwi (Apteryx) là loài chim đặc hữu và cũng là biểu tượng quốc gia của New Zealand, chúng còn là loài chim nhỏ nhất thuộc bộ đà điểu.
Xem thêm:
- Hải âu Fulmar phương Bắc và hành vi nôn chất dịch để tự vệ
- Ô Tác Lớn Thay Đổi Hình Dạng Xua Đuổi Kẻ Thù
Mục Lục
Môi trường sống
Chim Kiwi sinh sống phổ biến trong các khu rừng tự nhiên, rừng cây bụi và vùng đất nông nghiệp.

Mô tả
Loài chim này có kích thước chiều dài cơ thể khoảng 40 cm, chim mái có trọng lượng khoảng 2,8 kg trong khi trọng lượng chim trống chỉ khoảng 2,2 kg.

Chim Kiwi có bộ lông rất mượt, những sợi lông trông giống như lông của những con thú nhiều hơn là một con chim, điều này giúp chúng ngụy trang rất tốt trong các khu rừng. Hơn thế thân nhiệt chúng cũng được giữ ở mức chỉ khoảng 38 độ C.
Kiwi và những điều kỳ lạ
Chim Kiwi không biết bay, nhưng chúng vẫn có một đôi cánh bị tiêu giảm dài khoảng 3cm, ẩn dưới lớp lông màu nâu đỏ hoặc đen. Chúng gần như không có đuôi, ngược lại phần mỏ lại được phát triển khá dài, khi nghỉ ngơi cái mỏ này giống như một cái chân thứ 3 giúp cho cơ thể giữ thăng bằng.
Chúng có đôi chân tối màu, tuy hơi ngắn nhưng lại rất khỏe, khi bị mất bình tĩnh chúng có thể đá một con chim đồng loại văng ra xa đến tận 2,5m. Và với đôi chân này giúp chúng chạy nhanh với vận tốc lên đến 16km/h.
Chim Kiwi là loài chim nhút nhát, ban ngày nó ẩn mình trong hốc cây, kẽ đá hoặc trong các hang đất và đợi đến tối mới ra ngoài bắt đầu tìm kiếm thức ăn. Tuy chúng kiếm ăn vào ban đêm nhưng đôi mắt lại khá nhỏ và thị lực chỉ có thể nhìn xa khoảng 1,8m vào ban đêm, còn ban ngày thì tệ hơn, chưa đến 1m.
Thị lực của chúng không tốt và như để bù lại, chim kiwi có một khứu giác vô cùng tuyệt vời. Có thể nói kiwi là loài chim duy nhất trên thế giới xuất hiện lỗ mũi ngay ở phần đầu mỏ, điều này làm cho khứu giác của chúng thính hơn cả khứu giác của những con chó. Và khi tìm kiếm thức ăn cái mũi này có thể giúp chúng tìm thấy những con giun đang ẩn mình sâu dưới đất 30 cm.
Chim kiwi ăn gì?
Thức ăn của chim kiwi là hầu hết các loài động vật không xương sống nhỏ, bao gồm giun đất, côn trùng, ấu trùng… ngoài ra nó còn ăn cả các loại hoa quả và lá non. Khi kiếm ăn nó đưa mỏ xuống sát mặt đất để dò tìm, chỉ hơi thoáng có làn gió nhẹ là Kiwi biết ngay vị trí nào có giun và nhanh chóng lao đến nơi có con mồi.
Sinh sản
Kiwi là loài chim chung thuỷ một vợ một chồng. Trứng có thể được đẻ bất cúa lúc nào tuy nhiên đỉnh điểm là từ tháng 6 đến tháng 11. Chúng không làm tổ như các loài chim thông thường khác, thay vào đó chúng sẽ đào những cái hang trong lòng đất, dưới gốc cây, các kẽ nứt. Kiwi mái thường 2 năm mới đẻ 1 lần, mỗi lần đẻ khoảng từ 1 đến 2 quả trứng màu trắng mịn.
Tuy cơ thể nó chỉ to bằng con gà mái nhưng quả trứng lại rất to, có thể đạt đến 20% trọng lượng cơ thể chim mẹ, quả trứng nặng khoảng 450g. Điều này giống như một người phụ nữ có cân nặng 50 kg và đẻ ra đứa con nặng đến tận 10 kg vậy.
Nếu xét tỷ lệ giữa trọng lượng trứng và trọng lượng cơ thể, có thể nói trứng Kiwi to nhất trong số các loài chim.
Công việc ấp trứng do một mình chim trống thực, trứng sẽ ít được chăm sóc đầy đủ vào ban đêm, tuy nhiên thời gian mà kiwi trống ra ngoài kiếm ăn đã giảm đi rất nhiều. Có lẽ vì quả trứng quá lớn nên chim bố phải mất đến tận 80 ngày để ấp quả trứng.
Chim non chào đời đã mở mắt và có đủ lông, lúc này trông chúng giống như một phiên bản thu nhỏ của bố mẹ. Chim non ở cùng bố trong tổ vài ngày đầu tiên, cho đến khi cơ thể cứng cáp hẳn sẽ theo bố ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Sau 20 ngày chim non sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập.
Hiện trạng bảo tồn
Trước đây chim kiwi rất nhiều, nhưng hiện tại chúng đang trên đà suy giảm mạnh. Các nguyên nhân chủ yếu như mất môi trường sống, bị các loài động vật có vú ăn thịt…Và kể cả con người cũng săn bắt chúng để lấy thịt và lấy lông.
Tuổi thọ
Một số tài liệu cho thấy kiwi có tuổi thọ giao động khoảng 20 đến 30 năm, thậm chí chúng có thể sống gần 40 năm.
Tài liệu tham khảo: