Tê điểu ( Buceros rhinoceros ), là một trong những loài chim mỏ sừng lớn nhất, cùng với lối sống bí ẩn nơi thâm sơn cùng cốc.
Xem thêm:
- Hồng hoàng mũ cát và vấn nạn đe doạ tuyệt chủng cực kỳ nguy cấp
- Chim hồng hoàng và hành vi bí ẩn làm tổ trong khoang cây bịt kín
Mục Lục
Phân bố – Môi trường sống
Tê điểu là loài chim quốc gia của Malaysia. Chúng cũng là loài chim khá hiếm, người ta chỉ tìm thấy chúng trong những khu rừng nguyên sinh ở Borneo, Sumatra, Java, Bán đảo Malay, Singapore và khu vực miền nam của đất nước Thái Lan.

Ngoài rừng nguyên sinh loài chim này cũng có thể lui tới các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới mở khác, những khu rừng mưa, và thường đậu trên những ngọn cây cao.
Mô tả
Tê điểu có chiều dài cơ thể khoảng từ 80 – 90 cm, sải cánh trung bình dài khoảng 150 cm. Chim trống thường sẽ to lớn hơn chim mái một chút, với trọng lượng chim trống khoảng 2,4 – 2,9 kg trong khi chim mái giao động từ 2 – 2,3 kg.
Tê điểu có bộ lông chủ yếu màu đen, ngoại trừ phần lông dưới bụng, đùi và đuôi có màu trắng, tuy nhiên giữa đuôi cũng xuất hiện thêm một vệt màu đen khá rộng.
Ngoài lối sống bí ẩn, về hình thể mỏ của loài tê điểu cũng có phần khác lạ, chúng có mỏ to cồng kềnh và phần mũ mỏ nhô lên cao với màu sắc rực rỡ.
Mỏ dưới và nửa phần mỏ trên có màu trắng, phần nửa mỏ trên còn lại và mũ mỏ có màu cam, vàng và đỏ. Các màu này có được là kết quả của quá trình cọ xát mũ mỏ vào tuyến niệu quản ở gốc đuôi.
Phần mũ mỏ được làm bằng keratin, bên trong rỗng. Khi chim tê điểu tạo ra tiếng kêu, phần mũ mỏ có công dụng như một bộ phận cộng hưởng cho âm thanh, khuếch đại tạo tiếng vang khá xa nơi rừng sâu.
Mũ mỏ của chim trống to lớn hơn chim mái và còn có thêm viền màu đen.
Chim trống có đôi mắt màu đỏ, còn chim mái có màu mắt xanh lam, được bao quanh bởi lông mi dài. Chân và bàn chân có màu đen.
Các chim tê điểu chưa trưởng thành không có mũ mỏ và phần mỏ cũng nhỏ hơn, chúng có đôi mắt màu xanh xám.
Chim tê điểu ăn gì?
Ngoài mùa sinh sản tê điểu có thể kiếm ăn theo đàn, nhưng thông thường là theo từng cặp. Tê điểu có thói quen tìm kiếm thức ăn trên cây. Thức ăn chủ yếu ăn trái cây, côn trùng, thằn lằn, rắn, ếch cây, chân đốt và các loài động vật có vú nhỏ.

Hầu hết thức ăn của tê điểu thường bị nuốt trọn, ngoại trừ những loại thức ăn lớn, sẽ bị làm cho vỡ ra trước khi nuốt.
Sinh sản
Mùa sinh sản thường diễn ra vào tháng 1, tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 11. Tê điểu là loài chim chung thủy một vợ một chồng suốt đời. Tê điểu làm tổ trong các khoang cây tự nhiên, tổ cách mặt đất từ 9 – 15 mét.
Cũng giống như các loài chim mỏ sừng khác. Chim tê điểu mái chui vào khoang tổ rồi dùng trái cây, bùn và phân trát miệng tổ lại chỉ chừa một khe nhỏ dài vừa đủ để nó nhận thức ăn từ bên ngoài.
Chim mẹ đẻ từ 1 – 2 quả trứng và ấp trong khoảng từ 37 – 46 ngày. Chim non nở ra không lông bụ bẫm, chim mẹ sẽ nhận thức ăn từ chim bố và mớm cho con non, khi chim non đủ lớn để có thể tự nhận lấy thức ăn từ bên ngoài tổ, lúc này chim mẹ sẽ thoát ra ngoài.
Sau khi ra ngoài, miệng tổ sẽ được trát lại như ban đầu. Lúc này chim mẹ sẽ hỗ trợ chim bố mang thức ăn về để nuôi non. Sau khoảng 78 – 80 ngày tuổi, chim non đủ lông cánh và tự phá miệng tổ chui ra ngoài.
Sau khi ra ngoài chim non vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào chim bố mẹ thêm khoảng 6 tháng nữa, trước khi chúng bắt đầu một cuộc sống tự lập.

Trạng thái bảo tồn
Tê điểu bị đe dọa bởi nạn phá rừng, con người săn bắt loài chim này để làm thức ăn và lấy lông. Phần mũ mỏ được dùng làm vật chạm khắc trang trí.
Hiện tại loài chim này bị nghi ngờ đang suy giảm và được xem là loài gần bị đe dọa.
Tuổi thọ
Trong điều kiện nuôi nhốt loài chim tê điểu có tuổi thọ khoảng 35 năm.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn sau: