Chuột chũi là loài động vật có vú nhỏ thích nghi với lối sống dưới lòng đất, kích thước chiều dài cơ thể khoảng 12cm, con cái thường nhỏ hơn con đực.
Xem thêm:
Chúng có thân hình trụ, lông mềm, mắt lúc mới đẻ thì còn mở to nhưng đến khi trưởng thành thì bị thoái hoá và lặn sâu dưới da, tứ chi khá ngắn nhưng bù lại chân rất khoẻ với những cái móng vuốt to thích hợp cho việc đào bới.
Loài chuột chũi được tìm thấy hầu như khắp Bắc Mỹ, Châu Á và Châu Âu.
Loài này sinh sống ở trong một hệ thống hang ngầm dưới đất mà nó thường xuyên mở rộng. Nó dùng các hang này để săn con mồi. Trong các điều kiện bình thường chúng đùn đất đào lên trên mặt đất tạo nên các mô đất. Lông thường có màu xám sẫm nhưng lông có thể có một dải màu rộng hơn
Chuột chũi có thể dung nạp được lượng khí carbon dioxide cao hơn các loài động vật có vú khác, vì tế bào máu của chúng có một dạng hemoglobin đặc biệt, có ái lực với oxy cao hơn các dạng khác. Thêm vào đó, chuột chũi còn sử dụng oxy hiệu quả hơn bằng cách sử dụng lại lượng không khí thở ra, và kết quả là, chúng có thể sống sót trong môi trường oxy thấp như các hố sâu dưới lòng đất.
Thức ăn của chuột chũi chủ yếu là giun đất và các loài động vật không xương sống nhỏ khác được tìm thấy trong đất, cộng thêm nhiều loại hạt khác nhau. Chuột chũi tạo ra cái bẫy dưới lòng đất, vì hang của chúng luôn ẩm ướt nên giun đất, nhện, rết và sên dễ dàng sinh sôi và rồi sẽ trở thành món ăn sẵn sàng cho chuột chũi. Khi con mồi rơi xuống cái bẫy này chuột chũi sẽ chạy theo đường hầm và tóm lấy con mồi rồi ăn nó.
Trong nước bọt của chuột chũi có một dạng độc tố có thể làm tê liệt giun đất, chuột chũi còn lưu trữ các con mồi còn sống để ăn lại sau này. Chúng xây dựng các ổ lót bằng lá cây dưới lòng đất chỉ để nhằm vào mục đích này. Các nhà nguyên cứu đã khám phá ra các ổ lót với hàng ngàn giun đất trong đó. Trước khi ăn giun đất chuột chũi dùng 2 chân để buộc đất trong ruột giun rơi ra khỏi ruột giun đất.
Chuột chũi là những con vật sinh sống đơn độc chúng chỉ đến với nhau những lúc sinh sản. Các vùng lãnh thổ có thể chồng chéo lên nhau, nhưng chúng thường là tránh gặp mặt nhau, các chuột chũi đực sẽ đánh nhau dữ dội nếu chúng gặp nhau.
Thân nhiệt của chuột chũi cao hơn thân nhiệt của người từ 2-3 độ C. Trong cơ thể nó không có cấu tạo thích nghi với sự toả nhiệt, nếu bị ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào cơ thể, làm nhiệt độ cơ thể biến đổi lớn, tần số hô hấp của nó sẽ tăng lên. Nếu bị lộ sáng hơi lâu, nó sẽ rơi vào trạng thái hôn mê nóng, và có thể chết. Chính vì thế có thể nói chuột chũi rất sợ ánh nắng mặt trời.
Sinh sản
Mùa sinh sản của chuột chũi phụ thuộc vào từng loài nhưng thông thường là từ tháng 2 đến tháng 5. Chuột cái sẽ mang thai khoảng 42 ngày, đẻ ra khoảng từ 3 đến 5 con non, chủ yếu là vào tháng 3 và đầu tháng 4. Các chuột non rời khỏi tổ sau khoảng từ 30-45 ngày để tìm lãnh thổ mới của mình.