Dế cơm là một loài côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao và hơn hết nó không bị liệt vào sách đỏ, dế cơm có tên khoa học là (Brachytrupes Portentosus Licht) thuộc Bộ Cánh Thẳng (Orthoptera) và Họ Dế Mèn (Gryllidae).
Xem thêm:
Mô tả
Dế cơm có kích thước chiều dài cơ thể khoảng 40-50mm, thân trên có màu nâu tía, bụng dưới có màu trắng hơi ngả sang vàng, đặc biệt là đùi 2 chân sau phát triển khá mạnh.
Dế trống và dế mái phân biệt bởi bộ cánh, trên cánh của dế trống có những vết nhăn xếp, còn trên cánh dế mái thì không có vết nhăn.
Ở miền Nam Việt Nam, tầm vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, đây là khoảng thời gian dế cơm ở giai đoạn sinh trưởng, có thể nói đây là thời kỳ dế cơm sinh trưởng mạnh nhất để chuẩn bị cho mùa sinh sản vào khoảng tháng 6.
Sinh sản
Dế cơm sống và sinh sản trong hang, hang dế cơm có đường kính từ 1,5 – 3 cm, phía trên mặt đất lối vào bị bịt kín bởi lớp đất do dế đào hang và vận chuyển ra bít lối vào hang, và cũng để đề phòng kẻ thù xâm nhập.
Mỗi hang được trú ngụ bởi 1 con dế nhưng đến mùa sinh sản có thể hang sẽ có 2 con. nếu trên bề mặt đất, đất đùn lên nhiều thì là dế mái, vì dế mái đào hang khá sâu, nếu là đất mềm và lúc trời nắng, hang có thể sâu đến hơn 1m và đi hơi ngoằn ngoèo, còn hang dế trống thường sẽ ít đất hơn trồi lên mặt đất hơn, và mỗi hang đều có 1 hang ngóc chỉa lên trên mặt đất, để đề phòng sự cố.
Dế cơm thường ra khỏi hang vào buổi đêm, thức ăn của nó là thực vật, các loài cỏ non, đặc biết dế khá thích ăn lá sắn (khoai mì), nó kiếm thức ăn vào ban đêm và lôi cả thức ăn xuống hang để ăn, ban ngày nó trú ngụ yên trong hang.
Ngoài việc ra khỏi hang vào ban đêm để tìm thức ăn, dế trống còn có một nhiệm vụ nữa là đứng ngay cửa hang ngóc đầu ra ngoài và gáy, tiếng gáy khá to để kêu gọi bạn tình.
Các dế mái sẽ nghe thấy tiếng gáy, nó sẽ bỏ hang của nó và đến ở cùng với dế trống, sau khi thụ tinh dế trống sẽ chết và dế mái sau khi đẻ trứng cũng sẽ chết trong hang giống như dế trống.
Những hang dế mái bỏ có thể bị loài bò cạp, rắn nhỏ, rít chui vào trú ngụ, những người đi đào dế nếu không để ý cửa hang đã bị phá hay còn nguyên thì rất dễ bị rắn rít cắn.
Để đào được hang dế cần xác định cửa hang phải còn nguyên, sau đó loại bỏ lớp đất trên bề mặt hang để có thể tìm thấy hang dế trong lòng đất, không phải cứ theo miệng hang trên mặt đất mà đào bừa thì rất khó tìm thấy hang của chúng trong lòng đất.
Sau này trứng dế nở tại nơi mà bố mẹ nó đã chết, bầy dế con sẽ sinh trưởng tự nhiên cho đến năm sau, để tiếp tục chu kỳ mới.