Diệc xanh lớn ( Ardea herodias ) là loài chim lội nước có kích thước khá lớn trong gia đình họ Diệc, chúng thường xuất hiện tại những khu vực gần bờ nước, trong các vùng ngập nước trên hầu hết Bắc Mỹ và Trung Mỹ.
Ngoài ra, loài diệc lớn này còn xuất hiện tại các vùng biển Caribbean, Quần đảo Galapagos và một số nơi khác.
Xem thêm:
Mục Lục
Mô tả
Đây là loài diệc lớn nhất ở Bắc Mỹ, với chiều dài cơ thể từ 91 – 137 cm, sải cánh rộng 167 – 201 cm, chiều cao từ 115 đến 138 cm và trọng lượng cơ thể nặng từ 1,82 – 3,6 kg. Chim trống thường sẽ nặng hơn chim mái một chút.
Đôi cánh của loài diệc này có màu xám ngã sang màu xanh dương nhạt, màu đỏ nâu ở đùi, phía trên ở hai bên sườn có thêm sọc màu đỏ-nâu. Cổ có màu xám bạc kèm theo một vệt sọc đen trắng chạy dọc ở trước cổ. Đầu có màu nhạt hơn, với khuôn mặt gần như là trắng kèm theo 2 chùm lông đen ở hai bên chạy dọc ra đến sau đầu.
Mỏ có màu vàng nhạt và sẽ trở thành màu cam khi mùa sinh sản đến, chân có màu xám và cũng sẽ trở thành màu cam trong mùa sinh sản. Những con chim chưa trưởng thành có màu lông nhạt hơn, phần phía trên đầu có màu xám đen xỉn, chúng cũng không có phần lông dài ở sau đầu và đôi chân màu xám xỉn.
Môi trường sống
Loài diệc xanh lớn có thể thích nghi gần như với hầu hết các loại môi trường sống, từ vùng đất ngập nước, đầm lầy nước ngọt, đầm lầy ngập mặn, cho đến các đồng cỏ ngập nước, mép ao hồ hoặc thậm chí là bờ biển. Diệc lớn kiếm ăn khá mạnh vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn.
Diệc xanh lớn ăn gì?
Chúng thường chỉ quanh quẩn tại những vùng nước cạn khoảng dưới 50 cm, chứ ít khi mạo hiểm tiến ra khu vực nước sâu hơn. Thức ăn chủ yếu là các loài cá nhỏ, mặc dù chúng cũng ăn thêm cả tôm cua, và cả côn trùng trong mùa sinh sản, động vật gặm nhấm như chuột đồng, các loài có vú nhỏ có kích cỡ như thỏ. Ngoài ra nó còn ăn cả loài lưỡng cư, bò sát và chim.
Nói chung loài diệc lớn là loài ăn tạp, và nó ăn gần như tất cả những con vật nào nó tìm thấy được, kể cả các loài rắn có kích cỡ vừa phải. Khi phát hiện có rắn, diệc xanh nhanh chóng để tấn công nhấc bổng con rắn lên khỏi mặt nước, dùng cái mỏ nhọn và khoẻ để kẹp vào đầu và dần cho rắn chết trước khi nuốt nguyên con vào bụng. Tuy nhiên, đôi khi những con rắn khoẻ hơn, có thể dùng cả cơ thể nó quấn lấy mỏ chim, làm cho con chim không thể cử động mỏ.
Nếu gặp những trường hợp này, diệc lớn sẽ bay ra khỏi vùng nước mang theo cả con rắn đang chiến đấu trên mỏ để đến vùng đất trống, nơi mà con mồi có rất ít cơ hội thoát thân. Và chỉ sau ít phút chiến đấu, rắn đã bị loài chim lớn này nuốt chửng vào bụng.
Diệc lớn xác định vị trí con mồi của chúng bằng mắt, đi từng bước chậm chạm, quan sát con mồi và dùng cái mỏ sắc bén tấn công chớp nhoáng. Khi đã tóm được con mồi nó thường sẽ nuốt trọn kẻ xấu số kể cả những con cá rất to.
Đôi khi chúng bị nghẹn vì con mồi quá lớn, khi gặp trường hợp này nó thường rung lắc cổ để con mồi dần trôi xuống khỏi cổ. Đôi khi, diệc xanh nuốt những con cá chưa chết hẳn, khiến nó dãy dụa mãnh liệt trong cổ họng loài diệc này.
Sinh sản
Diêc xanh lớn sinh sản theo bầy đàn, trên các cây gần hồ hoặc các vùng đất ngập nước. Chúng sẽ quay về vùng sinh sản sau mùa đông từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Thông thường, khu vực sinh sản chỉ bao gồm loài diệc xanh lớn, nhưng đôi khi chúng cũng làm tổ chung với các loài chim khác.
Vùng làm tổ có số lượng giao đồng từ 5 đến 500 tổ cho mỗi thuộc địa, trung bình là khoảng 160 tổ. Tổ có thể được tái sử dụng trong nhiều năm, những con diệc xanh lớn thường làm những cái tổ cồng kềnh. Tổ thường rộng khoảng 50 cm đối với các tổ mới làm, nhưng sẽ lên đến 120 cm và sâu đến tận 90 cm ở những tổ làm nhiều lần.
Chim mái đẻ khoảng 6 quả trứng màu xanh nhạt, thời gian ấp trứng kéo dài khoảng 27 ngày. Sau khi nở chim non nhận được sự chăm sóc của cả hai chim bố mẹ và chú chim non nở ra đầu tiên thường sẽ phát triển tốt nhất. Khi ở 45 ngày tuổi, các chim non đã có cân nặng lên đến 86% so với chim trưởng thành.
Sau khoảng từ 55 đến 80 ngày tuổi, chúng sẽ chuẩn bị cho những chuyến bay đầu tiên rời khỏi tổ. Và sau đó chúng vẫn sẽ tiếp tục quay trở lại tổ để tiếp tục được cho ăn thêm khoảng 3 tuần nữa.
Hiện trạng bảo tồn
Theo Sách đỏ IUCN liệt kê, diệc xanh lớn được xem là loài có ít mối quan tâm nhất.
Thức tế, những con diệc xanh trưởng thành, do kích thước to lớn nên thường có rất ít kẻ thù tự nhiên. Tuy nhiên, việc sinh sản của loài chim này thường bị thất bại do sự xáo trộn của con người, thêm vào là các loài chim ăn trứng và chim non, như quạ, diều hâu, đại bàng hói và một số loài săn mồi khác.
Vai trò hệ sinh thái
Diệc xanh lớn giúp kiểm soát quần thể cá và các loài động vật khác trong nhiều môi trường sống. Chúng ( Trứng và chim non ) cũng là nguồn thức ăn quan trọng cho một số loài động vật săn mồi khác.
Tuổi thọ
Tuổi thọ trung bình của loài diệc xanh lớn khoảng 15 năm, và những trường hợp sống lâu nhất được ghi nhận là khoảng 23 năm ( Nguồn ).
Tài liệu tham khảo: