Dơi cáo đỏ nhỏ ( Pteropus scapulatus ) đây là loài dơi có nguồn gốc ở phía bắc và phía đông của nuớc Úc.
Xem thêm:
Chúng là loài du mục và rất khó khăn để các nhà khoa học có thể theo dõi xem, số lượng của chúng vẫn ổn định hay bị suy giảm như loài cáo bay đầu xám, bị đe doạ do mất môi trường sống và các khu vực tìm kiếm thức ăn bị tàn phá.
Mô tả
Dơi cáo đỏ có trọng lượng cơ thể khoảng từ 300 – 600gram, với chiều dài cơ thể khoảng 20cm, sải cánh rộng từ 0,9 đến 1,2 m. Chúng khá to, tuy nhiên nếu so sánh với các loài dơi cáo khác thì dơi cáo đỏ là loài nhỏ nhất của lục địa Úc.
Dơi cáo đỏ là loài du mục, có thể tìm thấy chúng trong các đàn lớn lên đến hàng triệu con. Ban ngày chúng treo ngược mình trên các cành cây cao, với số lượng lớn ở những cành cây nhỏ, nếu đứng từ xa quan sát rất dễ bị nhầm lẫn đàn dơi là những trái cây rừng chi chít.
Không như các loài dơi khác, khi treo mình trên cây chúng tập trung khoảng 20 con trên một cành nhánh nhỏ, và trên một cây, số lượng dơi là rất lớn lên đến 20.000 con hoặc thậm chí là nhiều hơn. Điều này có thể sẽ làm cho cây bị tổn thương, cành nhánh hư hại. Nếu chẳng may một vườn cây trồng nào đó bị chúng chiếm đóng dù chỉ một ngày cũng trở thành thảm hoạ.
Như tên gọi của chúng, dơi cáo đỏ có một màu đỏ trên lông, phần lông trên đầu chủ yếu có màu xám còn phần cánh có màu đỏ nâu. Ngoài khả năng bay chúng còn có khả năng leo trèo vô cùng tốt.
Dơi cáo đỏ ăn gì?
Thức ăn chủ yếu bao gồm mật hoa và phấn hoa của cây bạch đàn. Ngoài ra chúng cũng ăn cả hoa, trái cây, chồi non, vỏ cây, nhựa cây và cả côn trùng.
Chúng có thể bay đến 80km mỗi đêm tìm đến những cây khác nhau để lấy thức ăn. Khi kiếm ăn chúng chủ yếu là sử dụng khứu giác vô cùng tốt để tìm thấy thức ăn.
Thói quen
Ngoài việc treo ngược mình trên cây cao với bầy đàn lớn gây ra sự nhầm lẫn với trái cây, chúng còn có những thói quen hết sức kỳ lạ, là thường bay qua các con sông và lướt trên mặt nước để lông của mình chạm vào nước. Khi làm điều này chúng có thể sẽ gặp nguy hiểm bởi những kẻ săn mồi như cá sấu.
Sinh sản
Mùa sinh sản thường diễn ra vào giữa tháng 11 và tháng giêng. Lúc này các dơi đực thiết lập vùng lãnh thổ cho riêng mình bảo vệ hậu cung và chống lại những con dơi đực khác. Sau khi giao phối, dơi cái thành lập ra các nhóm nhỏ và những nhóm này chỉ bao gồm những con dơi cái với nhau. Và những nhóm này được duy trì cho đến khi các dơi con được sinh ra 5 tháng sau đó.
Sau khi dơi con chào đời dơi mẹ sẽ mang theo con của nó ở trước bụng từ 4 đến 6 tuần đầu tiên của cuộc đời, sau khoảng 2 tháng dơi con bắt đầu tự di chuyển vòng quanh các cây trong khu vực sinh sản, và bắt đầu cuộc sống tự lập.
Tài liệu tham khảo: