Hồ Natron nằm ở phía đông thung lũng Great Rift rộng lớn của châu Phi. Hồ lấy nước từ con sông Ewaso Ng’iro ở phía nam, đồng thời nhận nước từ các con suối nước nóng giàu khoáng trong lòng đất.
Xem thêm:
Hồ Natron khá nông, chỉ sâu chưa đầy 3 m, trong khi chiều rộng của hồ luôn thay đổi, bởi lưu lượng nước từ sông suối đổ vào không ổn định cùng sự bốc hơi của nước.
Màu đỏ sẫm ở một vài vị trí chính là điểm nổi bật nhất mà người ta nhìn thấy từ hồ Natron. Vào mùa khô, khi nước trong hồ bốc hơi, độ mặn tăng lên, cô lại gần như muối, đây là môi trường lý tưởng cho các loài vi sinh vật ưa mặn.
Đại diện cho loài vi sinh vật ưa mặn phát triển mạnh mẽ ở đây là vi khuẩn lam, chúng tạo ra nguồn thức ăn cho mình bằng cách quang hợp như thực vật.
Người dân Tanzania từ xưa đến nay vẫn đồn rằng hồ Natron ở đất nước này chịu một lời nguyền khiến cho bất cứ sinh vật nào tới gần hồ đều sẽ bị hóa đá.
Khi đến gần bờ hồ Natron ở Tanzania, du khách sẽ thấy một cảnh tượng rùng rợn tưởng chỉ có thể xuất hiện trong phim kinh dị. Ở đó, nằm rải rác trên mặt đất là những bức tượng đá vôi cứng ngắc mang hình thù của những con chim nhỏ, rũ cánh nằm chết.
Thực tế, đó không hề là những bức tượng đá vôi như người ta tưởng, đó chính là những xác chết bị vôi hóa.
Những chú chim, chú dơi khi bay qua vùng hồ này, nếu dại dột sà xuống uống nước hay tắm táp, chúng sẽ chỉ sống thêm được một vài khoảnh khắc và sẽ vĩnh viễn rũ cánh nằm xuống bên bờ hồ.
Vì thế, hồ Natron còn được gọi là hồ tử thần.
Thế nên, nhiều xác động vật chết được bảo quản nguyên vẹn trong tình trạng hóa đá, nằm vất vưởng xung quanh hồ, một số khách du lịch và nhiếp ảnh gia đã có lần tập hợp những cái xác lại và thực hiện các tác phẩm trông có vẻ như các động vật bị hóa đá ngay lập tức khi tiếp xúc hoặc vô tình chạm đến nước hồ.
Người dân địa phương ở đây chẳng ai có thể giải thích chính xác tại sao những con vật nhỏ này lại có thể chết dễ dàng như thế. Chỉ có những lý giải khoa học xem ra có vẻ hợp lý được đưa ra: Mặt hồ ở đây có mức độ phản chiếu ánh sáng mạnh khiến những con chim bay qua dễ bị “quáng mắt” mà sà xuống mặt hồ.
Nước hồ ở đây lại có hàm lượng muối khoáng cực cao, dù chỉ uống một ngụm cũng đủ khiến những sinh vật bé nhỏ này chết khô. Trải nghiệm kỳ lạ mà các nhiếp ảnh gia từng đến với hồ Natron hẳn đều biết, đó là nếu chẳng may vụng về để hở các cuộn phim máy ảnh ra ngoài, chỉ trong vòng chưa đầy một phút các cuộn phim sẽ bị khô cong
Lớp muối trên bề mặt hồ cũng thường có màu đỏ hoặc hồng do các loài vi sinh vật ưa mặn sống ở đó. Trong quá trình quang hợp, vi khuẩn tảo lục góp phần tạo nên sắc đỏ cho hồ, biến nước hồ từ màu xanh sang màu đỏ thẫm, những phần nông của hồ thường có màu cam.
Khi hồ ngập tràn nước được làm nóng bởi dung nham từ dưới lòng đất, nhiệt độ của nơi này có thể lên đến 60°C – một mức nhiệt chết người. Nhiệt độ bình thường của hồ thường là 41°C, với hàm lượng muối cao và không ổn định nên hồ Natron không phải là môi trường dành cho những loài động vật hoang dã.
Tuy nhiên hồ là một môi trường sống quan trọng cho loài chim hồng hạc, tảo đặc hữu, động vật không xương sống… thậm chí cá có thể tồn tại trong nước mặn nhưng tỉ lệ sống này thì không đáng kể.
Hồ Natron chỉ cho phép loài chim duy nhất sinh sống ở đây, đó là loài Hồng hac. Hồ là ngôi nhà kết đôi thường xuyên của 2,5 triệu chim hồng hạc Lesser trên toàn khu vực Đông Phi, loài chim này bị lệ thuộc hoàn toàn vào môi trường nuôi dưỡng duy nhất là hồ Natron.
Vì thói quen tìm bạn tình tại một địa điểm duy nhất nên số lượng của hồng hạc Lesser giảm đi nhiều và bị liệt vào tình trạng gần bị đe dọa.