Hồng hoàng mũ cát ( Rhinoplax vigil ) là một loài chim rất lớn trong họ mỏ sừng hay họ hồng hoàng. Nó được tìm thấy ở bán đảo Malay, Sumatra và Borneo.
Xem thêm:
- Chim hồng hoàng và hành vi bí ẩn làm tổ trong khoang cây bịt kín
- Hồng hoàng phía Nam – Loài hồng hoàng lớn nhất
Môi trường sống
Chúng thích sinh sống tại các khu rừng có địa hình gổ ghề với độ cao khoảng 1.500mét.
Mô tả
Chim trưởng thành có bộ lông gần như là một màu đen, trừ phần bụng và đùi một phần rìa cánh và lông đuôi có màu trắng. Riêng phần đuôi còn có thêm 2 lông đuôi trung tâm dài hơn các lông còn lại, giúp cho loài chim này dài hơn so với các loài hồng hoàng khác.
Tổng chiều dài cơ thể chim khoảng từ 110-120cm, không tính phần lông đuôi dài thêm 50cm nữa. Chim trống trung bình nặng khoảng 3,1kg còn chim mái nhẹ hơn một chút khoảng 2,7kg.
Chúng đôi khi được xem là loài chim hồng hoàng lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, chúng vẫn nhỏ và nhẹ hơn so với loài hồng hoàng sinh sống ở châu Phi.
Phần sừng nhô lên phía trên mỏ chiếm khoảng 11% trong tổng số trọng lượng 3kg của nó, không giống như mỏ sừng của nhiều loài chim mỏ sừng khác bị rỗng ruột, phần nhô lên của hồng hoàng mũ cát là một khối đặt ruột giống như ngà của voi. Mỏ có màu vàng, từ phần sừng nhô cao có màu đỏ.
Cổ loài chim này là một mảng da trần nhăn nheo, màu đỏ ở chim trống còn màu xanh nhạt đến xanh lục ở chim mái. Cuộc gọi là một loạt các âm thanh to không liên tục.
Chim hồng hoàng mũ cát ăn gì?
Hồng hoàng mũ cát ăn chủ yếu là trái cây, đặc biệt là quả sung, ngoài ra chúng cũng ăn cả các loài động vật có vú nhỏ, rắn, và thậm chí ăn cả các loài chim mỏ sừng nhỏ hơn. Nó có thể sử dụng cái sừng như một công cụ trọng lượng để đào vào những vùng gỗ mục và vỏ cây để tìm côn trùng và các con mồi khác.
Khi sinh sản chim trống sẽ mang thức ăn về cho chim mái hàng ngày, nhưng lúc bình thường ai kiếm được nấy ăn. Chúng sinh sống theo từng cặp trong vùng lãnh thổ, chim trống chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ khá mạnh mẽ.
Sinh sản
Mùa sinh sản thường xảy ra vào khoảng từ tháng giêng đến tháng 3 hoặc từ tháng 5 đến tháng 11. Dường như tất cá các loài chim mỏ sừng đều có thói quen làm tổ khá kỳ lạ, chim mái tự bịt kín mình bằng bùn và phân trong một khoang rỗng trên cây, chỉ chừa lại một khe rất nhỏ đủ để chim trống đưa thức ăn vào hàng ngày.
Sau khi chim non đủ lớn, chim mẹ phá bỏ lớp trát thoát ra ngoài.
Hiện trạng bảo tồn
Áp lực từ săn bắn ráo riết của con người để lấy sừng sử dụng làm vật liệu điêu khắc rất có giá trị, ngoài ra người dân bản địa cũng săn bắt để lấy lông trang trí, không những thế môi trường sống của chúng cũng dần bị mất, làm cho hồng hoàng mũ cát bị xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, khả năng tuyệt chủng rất cao. Riêng ở Singapore loài hồng hoàng mũ cát đã bị tuyệt chủng.