Cò quăm đỏ (eudocimus ruber ), sinh sống tại các vùng nhiệt đới Nam Mỹ và các khu vực đảo của vùng Caribe. Cò quăm đỏ còn là loài chim quốc gia của Trinidad và Tobago.
Xem thêm:
Loài chim này không thể nhầm lẫn với bất kỳ loài chim nào khác, vì bộ lông màu sắc đỏ tươi vô cùng ấn tượng, nhất là khi chúng đậu trên cây với số lượng lớn, hoặc khi chúng bay thành đàn lớn trên mặt nước, phía sau là rừng cây xanh bạc ngàn, tạo khung cảnh thần tiên như một bức tranh đầy màu sắc. Ngoài ra đây cũng là loài chim biển có sắc lông đỏ rực duy nhất trên thế giới.
Môi trường sống
Môi trường sống bao gồm các vùng đất ngập nước, bãi bồi, bờ biển, khu rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn và các sinh cảnh đầm lầy khác.
Mô tả
Cò quăm đỏ có kích cỡ trung bình, với chiều dài cơ thể khoảng từ 55-63cm, cân nặng khoảng 1,4kg, chiều dài sải cánh khoảng 54cm. Mặc dù dành phần lớn thời gian để đi bộ hoặc lội nước, và có thể nói chúng là loài chim mặt đất, tuy nhiên khả năng bay của chúng là vô cùng tốt và có thể bay rất xa. Khi bay cổ của chúng kéo dài ra phía trước còn chân duỗi thẳng về phía sau.
Cò quăm trưởng thành có bộ lông hầu như chỉ duy nhất một màu đỏ tươi. Riêng phần cuối của lông cánh, chỉ một phần nhỏ có màu đen, và có thể nhìn thấy màu đen này khi chúng xoè cánh ra. Mỏ khá dài hơi cong xuống ở phía đầu mỏ và mỏ cũng có màu đen giống như một phần nhỏ ở lông cánh.
Những con cò quăm chưa trưởng thành là sự kết hợp màu sắc, của nâu, xám và trắng, tạo nên một bộ lông chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên khi chúng phát triển hơn, màu lông sẽ dần thay đổi dựa vào khẩu phần ăn từ các loài động vật giáp xác màu đỏ, điều này đã tạo nên sắc lông đỏ tuơi cho chúng.
Cò quăm đỏ ăn gì?
Cái mỏ dài đặc biệt này giúp cò quăm thăm dò thức ăn tốt trong bùn mềm hoặc bên dưới lớp thuỷ sinh. Thức ăn bao gồm phần lớn là côn trùng, cá, động vật thân mềm và động vật giáp xác. Khi chúng ăn một số lượng lớn tôm và các loài giáp xác màu đỏ khác, đã tạo ra hoạt động astaxanthin, đây cũng là thành phần quan trọng trong việc tạo nên sắc tố trên lông của chim.
Khi kiếm ăn cò quăm thường tụ tập thành bầy đàn lớn lên đến hàng nghìn cá thể. Chúng cũng thường xuyên chia sẻ khu vực kiếm ăn cho các loài khác, như cò, diệc và cả vịt. Điều này giúp chúng tăng sự an toàn khi kiếm ăn trên các vùng ngập nước.
Xem thêm: Astaxanthin là gì
Sinh sản
Mùa sinh sản thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đôi khi được kéo dài đến tận tháng 1 năm sau. Tổ được làm khá đơn giản giống như nhiều loài cò khác, chủ yếu được lót bằng các cành cây nhỏ. Tổ được làm trên cành cây trong vùng ngập nước, đôi khi được lót trên các hòn đảo, có thể khi làm như vậy chúng sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị ăn thịt.
Cò quăm mẹ sẽ đẻ từ 3-5 quả trứng, thời gian ấp kéo dài khoảng từ 19 đến 23 ngày. Các chim non được cả chim bố lẫn mẹ chăm sóc cho đến khi trưởng thành.
Tuổi thọ trung bình trong tự nhiên khoảng 16 năm và trong điều kiện nuôi nhốt chúng có thể sống lên đến 20 năm.
Cò quăm đỏ được bảo vệ trên toàn thế giới, với số lượng trên toàn cầu là khá lớn và được xem là loài chim ít được quan tâm nhất về các nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên ở một vài quốc gia thì cò quằm lại suy giảm mạnh, và được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.