Đối với văn hóa phương tây và văn hóa dân gian châu Phi, linh cẩu đốm là một thứ gì đó xấu xa và hèn nhát, chúng được xem là những kẻ tham lam, háu ăn, ngu ngốc nhưng rất hung dữ và nguy hiểm.
Xem thêm:
- Cáo Bắc Cực & Sự Sống Nơi Thiên Nhiên Khắc Nghiệt Nhất Hành Tinh
- Báo Hoa Mai | Loài Thú Săn Mồi Dũng Mãnh & Cuộc Đụng Độ Bất Ngờ Với Lửng Mật
Mục Lục
Linh cẩu đốm
Tuy nhiên thực tế có hơi khác, linh cẩu đốm là một loài rất thông minh, chúng thống trị các loài linh cẩu khác ở bất kỳ nơi nào phạm vi sinh sống của chúng trùng nhau.
Linh cẩu đốm (Crocuta crocuta), hay còn gọi là linh cẩu cười, đây là thành viên duy nhất còn tồn tại của chi Crocuta, có nguồn gốc từ châu Phi cận Sahara.
Đây là loài có quy mô nhóm lớn, kèm theo đó là các hành vi xã hội vô cùng phức tap. Tổ chức xã hội của chúng không giống như bất kỳ loài thú ăn thịt nào khác, tuy nhiên vẫn có nét gần tương đồng với loài linh trưởng khỉ đầu chó, về quy mô nhóm, cấu trúc phân cấp và tần suất tương tác xã hội giữa hai nhóm cùng các nhóm không liên quan.
Tuy nhiên, hệ thống xã hội của loài vật này là cạnh tranh công khai chứ không phải hợp tác, với hình thức tiếp cận và giết chóc, cơ hội để con đực giao phối với các linh cẩu cái trong đàn tùy vào khả năng thống trị các thành viên trong nhóm.
Môi trường sống
Linh cẩu đốm sinh sống chủ yếu ở bán hoang mạc, thảo nguyên, rừng cây mở, rừng khô rậm và khu vực đồi núi cao đến 4000m. Chúng có vẻ ít xuất hiện tại các khu rừng mưa nhiệt đới và vùng ven biển.
Mô tả
Linh cẩu đốm có cổ và phần thân trước phát triển mạnh mẽ, phần thân sau chậm phát triển hơn. Cái mông được phát triển theo hình tròn thấp, điều này giúp ngăn kẻ thù tấn công từ phía sau. Tai của chúng cũng được làm tròn chứ không phải nhọn. Bàn chân có các lớp đệm rộng phẳng được trang bị thêm các móng vuốt ngắn cùn. Đuôi tương đối ngắn.
Màu lông thay đổi rất nhiều tùy theo độ tuổi, bộ lông cơ bản có màu nâu xám nhạt hoặc xám vàng, kèm theo các đốm tròn từ đỏ, nâu đậm, hoặc gần như đen, kích thước không đều nhau. Điều đặc biệt của chúng là sự xuất hiện của dương vật giả ở linh cẩu cái, khiến cho bộ phận sinh dục của con cái và đực trở nên khá giống nhau, và đây cũng là loài động vật có vú duy nhất thiếu đi lỗ âm đạo bên ngoài.
Sự bất thường về linh cẩu đốm so với các loài động vật có vú nói chung, là con cái lớn hơn đáng kể so với con đực. Chúng có chiều dài cơ thể giao động từ 95 – 165 cm, chiều cao vai từ 70 – 91 cm. Con cái cân nặng từ 44,5 – 64 kg, trong khi cân nặng con đực chỉ từ 40 – 55 kg. Ở Zambia linh cẩu có xu hướng nặng hơn với cân nặng trung bình con đực khoảng 67,6kg và linh cẩu cái là 69kg.
Hộp sọ của chúng khá lớn và trở nên mạnh mẽ nhất trong các loài ăn thịt. Bộ răng được thiết kế với nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là để xé thịt xác thối và để nhai xương… Hàm răng kết hợp với cơ hàm lớn tạo nên một vòm đặc biệt giúp bảo vệ chúng chống lại các lực lớn, những đặc điểm này còn mang lại cho linh cẩu một lực cắn vô cùng mạnh.
Lãnh thổ
Kích thước lãnh thổ là khác nhau tùy theo khu vực, dưới 40 km2 ở miệng núi lửa Ngorongoro, đến hơn 1000 km2 ở Kalahari. Phạm vi lãnh thổ được bảo vệ bằng các hình thức, như tiếng kêu, đánh dấu mùi hương và tuần tra ranh giới. Chúng có vẻ khá tôn trọng ranh giới lãnh thổ của nhau và hạn chế xâm phạm.
Hành vi xã hội
Linh cẩu đốm sống trong các nhóm lớn, những nhóm này lên đến tối đa 80 cá thể. Kích thước nhóm thay đổi theo địa lý, những nơi có lượng con mồi ít hơn sẽ hình thành những nhóm nhỏ hơn.
Tổ chức nhóm là một hệ thống phân hạch, trong đó các thành viên không thường xuyên xuất hiện cùng nhau, mà phân tán thành các nhóm nhỏ. Hệ thống phân cấp theo kiểu gia đình trị, con cái của linh_cẩu chiếm ưu thế sẽ tự động vượt trội và có thứ hạng cao hơn so với các gia đình cấp thấp hơn.
Tuy nhiên thứ hạng trong đàn, phụ thuộc rất nhiều vào sự hiện diện của linh_cẩu mẹ. Những con to khỏe có thứ hạng thấp hơn có thể bắt nạt những linh cẩu trẻ tuổi có thứ hạng cao hơn khi mẹ chúng vắng mặt.
Linh cẩu cái thống trị con đực, vì nó có nhiều cơ bắp và hung dữ hơn các đồng loại đực. Điều này có thể giải thích do linh cẩu cái có lượng testosterone gấp 3 lần trong cơ thể. Kết quả là xã hội linh cẩu đốm phát triển theo chế độ mẫu hệ.
Thậm chí linh cẩu cái có thứ hạng thấp nhất cũng chiếm ưu thế hơn so với con đực có thứ hạng cao nhất trong đàn. Những linh cẩu cái sinh ra và lớn lên trong nhóm của mẹ nó, trong khi con đực thường không được may mắn như vậy, nó buộc phải rời khỏi nhóm khi được 2 tuổi rưỡi hoặc 3, lúc này cuộc sống tồi tệ của nó mới thật sự bắt đầu.
Khi một con linh cẩu con bị buộc ra khỏi bầy đàn để tự tìm kiếm cho mình một nhóm mới, nó sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Đầu tiên là nó sẽ bị “áp bức” một cách tàn bạo từ các thành viên ở nhóm mới trước khi được gia nhập.
Và ngay khi nó được gia nhập, nó sẽ trở thành thành viên có thứ hạng thấp nhất trong bầy. Kèm theo đó những vết sẹo thể xác theo nó suốt cuộc đời. Thức ăn ngon hiếm khi đến phần của nó, và thực tế thì không có cách nào khác giúp nó thoát khỏi thứ hàng thấp hèn trong khoảng thời gian này.
Công việc của nó chỉ có thể là chờ đợi những con linh cẩu đực mới khác xuất hiện và được cho phép gia nhập vào nhóm, sau khi đã bị bầy đàn “tẩn” cho một trận. Khi một thành viên mới gia nhập, thứ hạng của nó trong bầy dĩ nhiên sẽ được nâng lên một bậc. Hoặc nó cũng có thể ăn may chờ đợi những con có thứ hạng cao hơn nó chết, và vô tình thứ hạng của nó cũng được nâng lên theo.
Những con đực trong bầy đàn thường có hàm răng bị mài mòn nham nhở do ăn quá nhiều xương, và tuổi đời trung bình cũng chỉ bằng 1/2 tuổi đời linh cẩu cái. Có lẽ điều mong muốn mà một con linh cẩu đốm đực để lại trong một nhóm mới của nó là những đứa con.
Lý giải chuyện này, có thể vì phần lớn linh cẩu cái trong đàn không muốn giao phối với những con đực trong một bầy mà chúng đã lớn lên cùng nhau. Và có lẽ đây là cách mà tạo hóa muốn loài linh cẩu đốm tránh giao phối cận huyết.
Săn mồi
Linh cẩu có thể săn mồi một mình cho các bữa ăn nhỏ, hay tập hợp số lượng lớn thành viên để theo đuổi hoặc tranh giành con mồi lớn. Trong cuộc đi săn chúng thường chạy qua đàn gia súc rồi chủ động chọn một đối tượng để tấn công, sau khi con mồi được chọn, chúng sẽ ra sức rượt đuổi với một quảng đường dài, thường là vài km với tốc độ lên đến 60km/h.
Linh cẩu đốm phát hiện con mồi bằng mắt, thính và khứu giác. Xác thối được phát hiện bằng mùi và âm thanh của những kẻ khác đang kiếm ăn như kền kền. Linh cẩu đốm có vẻ thích săn bắt những con mồi có trọng lượng từ 56 đến 182 kg. Khi săn mồi trong những đàn lớn, chúng thường chọn những con trẻ tuổi hoặc già yếu.
Con mồi của linh cẩu đốm khá đa dạng bao gồm: Ngựa vằn, linh dương đầu bò, linh dương thomson, trâu cape đôi khi cũng bị tấn công, hươu cao cổ, cừu, lợn rừng, dê, gia súc, linh dương kudu, cùng một số loài linh dương khác, chúng còn ăn cả rùa, cá, hà mã con, voi con, tê tê, trăn và một số con mồi khác…
Một con linh cẩu có thể ăn ít nhất 14,5kg thịt mỗi bữa. Trong khi ăn chúng có các hành vi hung hăng, tranh giành nhau để được ăn nhanh, ăn nhiều hơn. Chúng chỉ mất khoảng ít hơn 2 phút để ăn xong một con linh dương đầu bò. Linh cẩu đốm không cần nhiều nước và hàng ngày chúng chỉ dành khoảng 30 giấy cho việc uống nước.
Có thể nói linh cẩu đốm là loài ăn thịt phổ biến và thành công nhất châu Phi. Sự thành công của nó một phần nhờ vào khả năng thích ứng và chủ nghĩa cơ hội. Thực tế chúng là kẻ đi săn mồi, nhưng có thể tùy biến ăn cả xác thối, hơn thế chúng còn có khả năng ăn và tiêu hóa cả da, xương và chất thải của các loài động vật khác.
Kẻ thù
Khi linh cẩu đốm xuất hiện trên vùng săn mồi của sư tử. Chúng có xu hướng chờ đợi từ xa cho đến khi sư tử ăn xong rồi mới lao đến chỗ thức ăn thừa. Tuy nhiên một số trường hợp linh cẩu táo bạo hơn, cùng lao vào tranh con mồi với sư tử, hoặc nếu số lượng linh cẩu nhiều sẽ áp đảo sư tử buộc sư tử phải từ bỏ con mồi cho nó.
Rất hiếm khi xảy ra, nhưng sư tử đã từng bị bầy linh cẩu đốm tấn công, tuy không trực diện nhưng với số đông, chúng có thể áp đảo khiến một con sư tử trở nên yếu thế. Tuy nhiên nếu xuất hiện thêm một con sư tử nữa, thế trận ngay lập tức được thiết lập lại.
Trên thực tế, hai loài này thường hung hăng ngay cả khi chúng không bị đe dọa về thức ăn. Sư tử có thể tấn công và giết chết linh cẩu mà không cần lý do, đã có trường hợp một con sư tử giết chết 2 con linh cẩu mà không hề ăn chúng.
Những con báo thì khác, chúng ưa thích các con mồi nhỏ hơn con mồi của loài linh cẩu đốm săn bắt, tuy nhiên nếu có cơ hội linh cẩu cũng sẽ cố gắng đánh cắp con mồi từ loài báo. Báo cheetah thường dễ dàng bị linh cẩu đe dọa, báo đốm sẽ đứng lên kháng cự, còn báo hoa mai sẽ sử dụng sự nhanh nhẹn của mình giành lại con mồi và mang nó lên cây.
Chó hoang châu phi mặc dù có thể sử dụng số đông áp đảo một vài con linh cẩu và cô lập chúng, tuy nhiên chó hoang thường là kẻ chịu thiệt trước loài linh cẩu đốm. Những kẻ thù khác như cá sấu và trăn đá thì không đáng kể.
Sinh sản
Linh cẩu đốm thường sinh sản đỉnh điểm vào mùa mưa. Thời gian giao phối thường kéo dài khoảng 2 tuần. Linh cẩu là loài không chung thủy và một con cái sẽ có nhiều chồng. Thời gian mang thai kéo dài khoảng 110 ngày. Mỗi lứa linh cẩu mẹ có thể đẻ trung bình khoảng 2 con, thi thoảng là 3 con. Linh cẩu đực không tham gia vào quá trình nuôi dạy con non.
Khi sinh sản, linh cẩu mẹ sử dụng một hang đào âm xuống lòng đất, những cái hang này có thể có đến hơn chục lối vào. Điều này giúp đàn con tránh khỏi những kẻ săn mồi khi mẹ chúng không có ở nhà.
Con non mới sinh có bộ lông đen mềm, cân nặng trung bình khoảng 1,5kg. Khá kỳ lạ nhưng con non mới sinh đã mở mắt và xuất hiện thêm răng nanh dài 6mm cộng thêm răng cửa dài 4mm.

Sau khi chào đời những con linh cẩu non sẽ bắt đầu công cuộc tấn công những con linh cẩu non cùng lứa khác trong nhóm. Điều này thường dẫn đến cái chết cho các con non yếu hơn.
Trong tháng đầu tiên số lượng linh cẩu con bị giết chết lên đến 25%. Những con đực sống sót sẽ phát triển nhanh hơn và dễ dàng hơn để đạt được sự thống trị về sinh sản, còn những con linh cẩu cái sống sót đã loại bỏ dần các đối thủ để thống trị trong nhóm tự nhiên của chúng.
Linh cẩu mẹ có thể mang 3 – 4 kg sữa trong bầu vú để cho các con bú, sữa của chúng có hàm lượng protein và chất béo cao nhất trong các loài thú ăn thịt trên cạn.
Linh cẩu con có thể tự ăn từ tháng thứ 3, lúc này bộ lông đen cũng dần thay đổi thành bộ lông đốm, tuy nhiên chúng vẫn sẽ bú mẹ từ 12 đến 16 tháng. Trong thời gian này Linh cẩu mẹ bảo vệ rất tốt đàn con của chúng và sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự tiếp cận nào, đặt biệt là linh cẩu đực.
Vào khoảng 8 tháng tuổi, linh cẩu con thể hiện khá tốt các hành vi săn bắt mồi. Chúng sẽ sớm trưởng thành về giới tính ở độ tuổi thứ 3. Và khi linh cẩu đực đạt đến độ tuổi này, nó buộc phải rời khỏi gia đình đi tìm một nhóm mới.
Hiện trạng bảo tồn
Linh cẩu đốm được xem là loài có ít mối quan tâm nhất, vì phạm vi phân bố rộng rãi và số lượng lớn, ước tính có từ 27,000 đến 47,000 cá thể. Tuy nhiên ngoài các khu vực được bảo vệ, linh cẩu đang bị suy giảm do mất môi trường sống và nạn săn trộm.
Tuổi thọ
Tuổi thọ trung bình của linh cẩu đốm khoảng 12 năm (trong vườn thú), tối đa chúng có thể sống 25 năm.
Link full video về loài Linh cẩu đốm
Tài liệu tham khảo: