Vào đầu tháng 5, tháng 6 hằng năm, mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời đổ những trận mưa lớn, khi trời vừa ngớt tạnh vào buổi chiều tối sẽ thấy rất nhiều mối cánh chui ra khỏi tổ và bay ngợp trời, chúng lao đến ánh sáng ngọn đèn hàng đàn hàng lũ vào nhà dân – Mối chúa.
Xem thêm:
- Chuồn chuồn – Sát thủ tàn bạo nhất trong thế giới côn trùng
- Phù du Tisa – Loài vật chỉ có 3 giờ để sống
Mục Lục
Mối cánh
Vì khả năng bay của mối khá kém chỉ được vài mét đến vài chục mét, còn tuỳ thuộc vào sức gió, hướng gió, sau đó con thì rơi xuống đất, con thì bò lên tường, rồi bị thạch sùng đớp, rồi bị kiến tha, còn lớp trẻ con thì tha hồ mà bắt cho vào chậu nước rồi chế biến thành những món ăn ngon từ mối.
Khi mối cánh rơi xuống đất nó sẽ tự rũ bỏ đôi cánh, vĩnh viễn không cần nó nữa. Nếu may mắn, một số rất ít mối còn sống sót, sẽ chủ động tìm đến nhau, mối đực sẽ tìm mối cái và bám vào đuôi mối cái. Kể từ đây một hành trình mới để duy trì và phát triển giống nòi được bắt đầu bởi một vua một hậu, một vương quốc mối mới được khai lập.
Những con mối chúa
Trong quá trình bay và rơi xuống đất phần lớn mối cánh bị diệt vong, chỉ một vài đôi mối cánh gặp điều kiện thuận lợi cùng nhau bò đến những nơi phù hợp rồi dùng răng đào đất làm nơi trú ngụ, trong lòng đất nó đào một cái buồng lớn đủ chỗ cho cả 2, sau đó chúng đóng lối vào lại và tiến hành công việc giao phối.
Sau khi giao phối cả 2 không bao giờ ra ngoài và dành cả cuộc đời ở trong tổ, khoảng một tuần sau thì mối cái đẻ trứng, lúc đầu số trứng rất ít chỉ khoảng từ 10 – 20 quả, nhưng về sau tùy theo sự trưởng thành mà tốc độ đẻ trứng sẽ tăng dần.
Hình thành tổ mối
Mối chúa có thể đẻ khoảng 40.000 quả trứng mỗi ngày, lúc này bụng tăng trưởng về kích thước rất lớn làm giảm đi khả năng di chuyển, tất cả các hoạt động đều do các mối thợ hỗ trợ. Lúc này chiều dài mối chúa có thể lên đến từ 12 đến 15cm.
Còn mối vua chỉ lớn hơn một chút sau lần giao phối đầu tiên và tiếp tục công việc cho đến suốt cuộc đời ( một mối chúa có thể sống từ 30 đến 50 năm)
Khi trứng nở các mối thợ dần hình thành, lúc này các mối thợ sẽ có nhiệm vụ phát triển tổ, bằng cách dùng thức ăn và đất, kết hợp sự gia công kỹ lưỡng để đất kết dính vào nhau tạo cho chúng vương quốc có hệ thống bảo vệ vô vùng chắc chắn.
Các mối thợ có chiều dài cơ thể chỉ từ 4 đến 15 mm, thức ăn của chúng là chất cellulose của thực vật, chúng có giác quan hai bên miệng, kiểu nhai đặc biệt, vòm họng rất chắc. Chất cellulose của gỗ khó tiêu hoá nhưng trong đường ruột của loài mối có một loài siêu trùng roi tiết ra dung môi có thể phân giải cellulose thành những chất dinh dưỡng cung cấp cho mối.
Cơ thể nhỏ, các chi phát triển. Mối thợ chiếm số đông, tới 70-80% trong đàn mối, gánh vác mọi công việc trong vương quốc của loài mối như xây tổ, làm đường, chuyển trứng, kiếm ăn, hút nước, nuôi mối chúa và mối vua, nuôi nấng mối non…
Mối lính được phân hóa từ mối thợ, mối lính không nhiều, công việc chủ yếu là canh gác và tấn công kẻ thù, bảo vệ tổ và mối thợ khi đi kiếm ăn, cặp hàm trên mối lính rất phát triển, rất sắc và khoẻ là vũ khí lợi hại của mối lính, một vài mối lính còn có tuyến hàm tiết ra dịch nhũ trắng, khi đánh nhau có thể phun chất dịch làm tê liệt đối phương. Giác quan hai bên miệng của mối lính rất đặc biệt, mất khả năng lấy thức ăn, khi cần thì mối thợ phải cho mối lính ăn.
Mối cánh – Những con mối chúa tương lai
Lúc này tổ còn phát triển thêm một dạng mối cánh, trong tổ mối cánh thuộc dạng ăn hại, không có công việc gì cả, nhưng các mối lính phải cẩn thận bảo vệ, các mối thợ chăm sóc tận tình, vì mối cánh chính là các mối vua mối chúa tương lai sau này, để duy trì và phát triển giống nòi của loài mối. Một tổ mối có thể có từ vài trăm đến vài triệu thành viên.
Mối và con người
Vì mối xâm phạm đến lợi ích của con người nên chúng được xếp vào loài phá hoại, mối tấn công vào các toà nhà làm bằng gỗ rồi ăn các tấm ván không được bảo quản đúng cách, làm cho các toà nhà hư hỏng nặng. Chính vì vậy chúng đã bị con người dùng mọi cách để tận diệt.
Còn những tổ mối ngoài tự nhiên thì bị các loài thú ăn mối tấn công, đặc biệt là con người đào và bắt mối chúa về ngâm rượu vì tin rằng mối chúa có công dụng chữa bệnh và cải thiện sức khoẻ, nên rất nhiều tổ mối đã bị phá bỏ.
Ngay khi con người tác động vào tổ mối, những con mối thợ vẫn cố gắng củng cố xây dựng lại phòng ốc, còn các mối lính thì ra sức giương càng đe doạ đối thủ nhằm bảo vệ vương quốc, nhưng hầu hết tất cả các cuộc tấn công yếu ớt vào con người đều không giúp chúng bảo vệ được tổ, chỉ một lát thôi, tổ mối đã tang hoang thành đống đổ nát.