Thời ấy, cái thời thơ ấu của bọn trẻ làng. Mỗi ngày đến trường, bọn con nít chúng tôi phải đi bộ, đi rất xa, nhưng đám trẻ chúng tôi có biết mệt hay nắng nôi là gì, không có gì cản trở sự vô tư của chúng. Con đường đến trường luôn hấp dẫn, nó trở thành con đường vô cùng đặc biệt.
Xem thêm:
Không phải như bây giờ. Trên con đường đó có rất nhiều loài hoa quả, những cây Dủ dẻ chín vàng chua ngọt ẩn nấp sau những cành lá sum suê dày đặc, những quả trâm trên cành đen bóng, hay những chùm cò ke lâu lâu mới chín một vài quả bị đám trẻ chúng tôi tranh giành thi nhau hái. Và thu hút bọn trẻ nhiều nhất vẫn là những cây keo đầy gai mọc ven đường với vô số trái chín mọng.
Trái keo
Trái keo, hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như cây me keo – me nước, (Pithecellobium dulce) loài cây này có nguồn gốc thừ các vùng nhiệt đới châu mỹ, thân cây khá cao lên đến 10m, trên cành ngoài lá còn xuất hiện những cái gai siêu nhọn, hoa màu trắng mọc thành chùm ở đầu cành, quả dài từ 5-8cm, trái cong và queo thắt lại ở giữa các hạt, hạt màu đen bóng, trái keo chín ăn có vị bùi ngọt thơm và rất béo.
Chính vì loại cây này rất cao, có nhiều gai, lại mọc ven đường nên không thể trèo mà hái được, đôi khi trèo được thì lại bị con chó hàng xóm nào xổng chuồng chạy ra chỉ có nước ngồi trên đó mà khóc.
Bởi vậy, cách chúng tôi hái Keo là đứng dưới đất ném đá lên cây, ném khi nào trúng quả nó rụng xuống thì thôi. Nhưng thường ném cả mấy chục lần mới được 1 trái, tuy nhiên đó cũng là một thành tích vô cùng đáng mừng.
Qủa cò ke
Kế đến là quả cò ke (Microcos paniculata)mọc khá nhiều bên đường, cây cao khoảng từ 2-9m, lá khá to hình bầu dục dài từ 6-13cm, trên mặt lá có nhiều lông tơ mịn, hoa màu trắng hoặc vàng, Quả hạch hình cầu, ăn quả có vị chua nhẹ khi trái còn sống, đến khi chín màu đen ăn vào có vị ngọt ngọt kèm vị chua thanh tao.
Loài quả này còn được sử dụng để cho vào trà thảo dược hoạc dùng làm thuốc trong đông y. Lúc đó bọn trẻ chúng tôi hái những trái xanh nhét đầy túi quần sử dụng làm đạn cho một loại súng tre tự làm.
Trái Trâm
Tiếp đến là cây Trâm (Syzygium cumini) cây cao khoảng từ 6-20m cũng có những cây cao đến 30m, tán rộng cho bóng mát có tuổi thọ trên 100 năm. Cây trâm bắt đầu nở hoa vào tháng 3 hay tháng 4, hoa khá thơm và nhỏ, hoa kết trái vào tháng 5 hay tháng 6, trái mọc thành chùm lúc non có màu xanh khi chín có màu đen bóng. Trái trâm ngọt ít, chát nhiều, thịt cũng chẳng bao nhiêu mà bọn trẻ vẫn thích mê man.
Bọn trẻ chúng tôi sau khi hái những trái trâm chín mọng liền cho vào cặp trước khi tới trường, đến khi những quả trâm còn sót lại cả tuần trong cặp, trâm bị ép xẹp lép tứa nước ra, nhuộm tím cả mấy quyển vở mới tinh.
Trái Chay
Kế đến là cây chay (Artocarpus tonkinensis) thân cây có vỏ màu xám, lá xanh lục dài khoảng 10cm nhẵn mặt trên, mặt dưới có lông tơ màu hung. Loài chay này ra hoa vào cuối xuân khoảng tầm tháng 3 đến tháng 4 kéo dài cho đến cuối hè thì quả mới chín, khi chín có màu vàng, ruột hồng khi ăn có vị chua và hơi ngọt.
Chay là giống lắm nhựa bọn học sinh trèo lên không khéo là nhựa dính đầy vào áo trắng thì coi như xong cái áo đi học. Cây chay trồng với mục đích lấy vỏ ăn trầu hoặc sử dụng trong đông y, nhưng đó là chuyện của người lớn, đám trẻ chúng tôi chỉ chú ý đến những quả chay chua chua trên cành thôi.
Trái thù lù
Nhắc về thời ấy tất nhiên là không thể bỏ qua loại cây thù lù (Physalis angulata L) này, nó còn có tên gọi khác như Tầm Bóp hoặc Lồng đèn. Cây thù lù thân thảo chỉ cao từ 50 -90cm thôi, lá mọc so le hình bầu dục dài từ 30-50mm, hoa mọc đơn độc ngay nách lá, có màu vàng hoặc trắng nhạt.
Loài cây này có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới Amazone và đã được thổ dân sử dụng làm thuốc từ xa xưa và đôi khi còn dùng làm cây cứu đói rất hữu ích.
Cây này khá là lạ nó ra hoa và kết trái quanh năm, trái khi non được bao bọc bên ngoài bởi một lớp mỏng hình quả tim với nhiều cạnh, khi chín lớp bao phủ này mục ra chỉ còn lại những đường gân lộ quả thù lù bên trong màu vàng đỏ.
Dù là cây dại nhưng quả tầm bóp rất ngon, vị chua ngọt giống cà chua và rất bổ dưỡng. Đặc biệt, ít người biết rằng không chỉ quả mà lá và ngọn của cây tầm bóp cũng được dùng như rau, có thể chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc.
Dây bình bát
Dây bình bát (Coccinia cordifolia) hay còn gọi là trái bát, mảnh bát … đây là loài cây thảo nhẵn và mảnh, thân leo, nó có thể leo xa đến 5m hoặc hơn. lá mọc so le hình tim mép lá có hình răng cưa, hoa màu trắng mọc ở nách lá, quả lúc còn non có màu xanh khi chín ngả màu đỏ hồng rất đẹp.
Loài cây này mọc hoang ở nương rẫy hoặc hàng rào, lá và quả có thể dùng ăn như rau hoặc dùng làm thuốc trong đông y, riêng bọn trẻ con thì thi nhau hái quả ăn lấy ăn để kể cả những quả chín mọng bị chim chào mào ăn gần hết một nửa.
Tuổi thơ đã đi qua như thế, tuy chỉ còn những mảnh ghép rời rạc nhỏ nhắn, nhưng tôi luôn cảm giác những kí ức đó còn nguyên vẹn và mới xảy ra ngày hôm qua.
Những hình ảnh con đường đến trường xanh tươi màu lá, những bầu trời xanh ngắt không gợn chút mây, những bình minh ngập tiếng chim hót luôn tràn ngập trong kí ức của tuổi thơ.