Trong lịch sử, trái đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng đáng sợ, khiến hàng loạt các loài động thực vật biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có những loài sinh vật tồn tại kỳ diệu cho đến tận ngày nay – Sam biển.
Xem thêm:
- Cua dừa loài chân đốt trên cạn lớn nhất thế giới
- Cua đỏ Đảo Giáng Sinh & Bí Ẩn Đàn Cua Hàng Triệu Con Di Cư
Và trong số những loài động vật từ thời cổ đại đó, có loài cua móng ngựa, hay còn được biết đến với tên gọi là sam.
Phát hiện hóa thạch cho thấy cua móng ngựa có niên đại gần 450 triệu năm, lâu hơn rất nhiều so với loài khủng long đã tuyệt chủng. Trải qua hàng trăm triệu năm, cua móng ngựa vẫn giữ nguyên những đặc điểm kích cỡ, hình dạng vốn có.
Sam (tên tiếng anh Horseshoe crab) là loài động vật không xương sống (tên khoa học Tachypleus tridentatus), nó sinh sống chủ yếu ở trong và xung quanh nước biển cạn, trên nền đáy cát hoặc bùn mềm.
Mô tả
Cơ thể sam biển được bảo vệ bởi một lớp vỏ cứng. Nó có hai đôi mắt kết hợp, trong đó 2 mắt lồi ở hai bên, mỗi mắt chứa khoảng 1000 ommatidia. Còn 2 mắt còn lại nằm sát vào nhau trên đầu giúp chúng có thể phát hiện cả ánh sáng bình thường và một loại ánh sáng cực tím. Mắt của sam biển nhạy cảm với ánh sáng vào ban đêm hơn ban ngày gấp triệu lần.
Miệng nằm giữa các chân, còn gọi là gnathobases có chức năng giống như hàm giúp chúng nghiền thức ăn. Nó có tất cả 5 cặp chân dùng để bò, bơi lội và đưa thức ăn vào miệng, mỗi chân đều có một cặp kìm ngoại trừ cặp chân cuối cùng.
Phía sau của chân là bộ phận trao đổi khí hô hấp, đôi khi nó cũng sử dụng bộ phận này để bơi. Sam biển cái thường lớn hơn sam biển đực, nó có thể dài đến 60cm tính cả cái đuôi.
Môi trường sống
Môi trường sống ưa thích của chúng là đáy đại dương nơi chúng có thể tìm kiếm và bắt các ấu trùng cũng như các loài nhuyễn thể, và đây cũng là thức ăn chính của chúng, nó cũng có thể ăn các loài động vật giáp xác và thậm chí là các loài cá nhỏ.
Sam biển được con người khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm. Tuy nhiên một loài sam nhỏ hay còn gọi là con so biển (Carcinoscorpius rotundicauda) có bề ngoài rất giống với sam nhưng nhỏ hơn, toàn thân màu xanh nâu đậm, loài vật này chứa độc tố tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở và chết rất nhanh, hiện nay chưa có thuốc giải.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển đã được ghi nhận.
Nguyên nhân là do không biết so biển có chứa độc tố cực mạnh nên đã dùng để chế biến thức ăn và một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển.
Sinh sản
Trong mùa sinh sản, sam biển di chuyển đến các vùng nước nông ven biển. Các sam đực chọn một sam cái rồi bám vào lưng cùng di chuyển theo sam cái, thông thường nhiều sam đực bao quanh 1 sam cái rồi tiến hành thụ tinh với nhau, những lúc như thế này rất dễ dàng phát hiện ra sam cái vì nó là nhân vật trung tâm được bao quanh bởi từ 3-5 sam đực có kích thước nhỏ hơn.
Sau khi chọn được vị trí thích hợp sam biển cái đào một cái lỗ trên cát và bắt đầu đẻ trứng, trong khi các sam biển đực thì tiến hành thụ tính. Sam cái có thể đẻ từ 60.000 đến 120.000 quả trứng và nó đẻ từng đợt mỗi đợt vài nghìn quả trứng.
Trứng mất khoảng 2 tuần để nở, nhưng trước khi kịp nở, những quả trứng bị một loài chim biển ăn mất khá nhiều.
Sử dụng máu sam trong y học
Không giống như các loài động vật có xương sống, sam không có hemoglobin trong máu, mà thay vào đó nó sử dụng hemocyanin để vận chuyển oxy, nên máu của sam là màu xanh lam.
Máu của chúng chứa amebocytes đóng vai trò tương tự như các tế bào bạch cầu ở động vật có xương sống, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh.
Amebocytes từ máu của sam được sử dụng để vô hiệu hoá các loài vi khuẩn độc hại, Bởi vậy, từ những năm 1970, ngành y tế đã sử dụng máu của loài động vật này để kiểm tra các loại vắc xin nhằm xác định xem chúng có bị nhiễm vi khuẩn gram âm nguy hiểm hay không.
Theo các nhà khoa học, chỉ cần 45 phút tiếp xúc với chất Limulus amebocyte lysate (LAL), được chiết suất từ máu sam là đã có thể phát hiện nội độc tố từ vi khuẩn gram âm rất khó quan sát thấy.
Nhờ vậy mà cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) luôn yêu cầu các công ty dược phẩm kiểm tra các loại vắc xin bằng máu cua móng ngựa trước khi đưa tới tay người bệnh.
Với tác dụng kỳ diệu, giá thành của sam ngày càng trở nên đắt đỏ. Cụ thể, 1 gallon (3,7 lít) máu sam có giá lên đến 60.000USD. Chính vì thế sam đã trở thành 1 trong những mục tiêu đánh bắt toàn cầu. Theo thống kê, mỗi năm, khoảng 500.000 con cua móng ngựa bị bắt để lấy máu cung cấp cho các công ty dược phẩm.
Tuy nhiên, phía sau ngành công nghiệp khai thác máu sam là những hình ảnh tàn nhẫn khiến nhiều người không khỏi xót xa. Để có thể lấy được máu của loài động vật quý này, người ta thường nhốt và chiết suất máu của chúng trong vòng từ 24 đến 72 tiếng.
Sau đó, những chiếc chai đựng đầy máu xanh của cua móng ngựa sẽ được dùng để kiểm tra vắc xin có bị nhiễm vi khuẩn có hại hay không.
Do khai thác quá mức nên hiện nay loài động vật này đang suy giảm nghiêm trọng, nếu một lúc nào đó loài cua móng ngựa này tuyệt chủng thì đồng nghĩa ngành y tế thế giới cũng bước vào một thời kỳ đen tối.