Tò vò – Bạn có từng để ý và tò mò vì nhà mình đâu đâu cũng có những vệt đất khô cứng như gạch nung, vắt đầy trên tường, trên cửa sổ, trên tấm rèm cửa mới mua, thậm chí là trên bàn ghế hoặc bất kỳ đâu bạn có thể nghĩ đến.
Chúng không phải là những vệt đất thông thường và cũng không phải tự nhiên mà có, chúng là những cái tổ chắc chắn và kiên cố của loài ong đất hay còn gọi là ong tò vò, ong thợ nề. Chúng thuộc phân họ Eumeninae, chúng không chỉ được biết đến với khả năng xây tổ bằng đất mà còn có khả năng làm tê liệt các loài sâu không lông nhỏ. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những khả năng kỳ lạ của loài ong này.
Xem thêm:
- Những Con Ong Tạo Ra Mật Ong Như Thế Nào
- Sau khi muỗi độc đốt, nó vẫn “phun nước bọt” truyền bệnh cho bạn.
Phân loại
Ong đất là phân họ đa dạng nhất trong họ Vespidae, với gần 200 chi và chiếm phần lớn số loài trong họ, với khoảng 3.000 loài trên tổng số 4.500 loài. Sự đa dạng đáng kinh ngạc về hình thái của ong đất đã dẫn đến việc phân chia các chi để tạo thành các nhóm dễ quản lý hơn, giúp việc nghiên cứu và phân loại trở nên hiệu quả hơn. Trước đây, phân họ Zethinae từng được gộp vào phân họ này, nhưng sau đó đã bị loại bỏ khi các nhà khoa học nhận ra rằng điều này khiến Eumeninae trở nên cận ngành.
Mô tả
Hầu hết các loài ong tò vò đều có màu đen hoặc nâu, thường kèm theo các hoa văn tương phản nổi bật với màu vàng, trắng, cam hoặc đỏ. Một số loài, đặc biệt ở các khu vực nhiệt đới, có điểm nhấn màu xanh lam hoặc xanh lục ánh kim, từ nhạt đến đậm, tạo nên vẻ bề ngoài rất đẹp và độc đáo.
Ong tò vò ăn gì?
Tất cả các loài ong tò vò đều là động vật ăn thịt, phần lớn chúng sinh sống đơn độc, dù một số loài thể hiện các hành vi xã hội nguyên thủy. Những con ong trưởng thành thì chủ yếu ăn mật hoa.
Sinh sản
Ong tò vò có nhiều phương thức xây tổ đa dạng và độc đáo. Mỗi loài có thể tận dụng các hốc có sẵn như các lỗ trong cây của bọ cánh cứng tạo ra, tổ bỏ hoang của các loài ong tò vò khác, hay thậm chí là những lỗ do con người tạo ra như lỗ đinh cũ hoặc khe hở trên thiết bị điện tử. Một số loài tự xây tổ dưới lòng đất hoặc ngoài trời. Tổ của chúng có thể bao gồm một hoặc nhiều ô dành riêng cho ấu trùng. Vật liệu phổ biến nhất để xây tổ là bùn, được tạo từ hỗn hợp đất và nước, nhưng nhiều loài cũng sử dụng vật liệu thực vật đã nhai.
Tên gọi “ong thợ nề” xuất phát từ hình dạng tổ bùn đặc trưng do loài Eumenes và các chi tương tự xây dựng dạng tổ như vậy. Theo truyền thuyết, người Mỹ bản địa đã lấy cảm hứng từ tổ ong này để thiết kế đồ gốm. Ong cái sử dụng hàm và chân trước để cào đất hoặc bùn, kết hợp với nước và nước bọt tạo thành những viên bùn nhỏ, sau đó mang về để xây tổ.
Quá trình xây tổ và nuôi dưỡng ấu trùng bắt đầu khi ong cái thu thập các loài như ấu trùng bọ cánh cứng, nhện, và nhất là sâu bướm. Ong tò vò làm chúng tê liệt rồi đặt vào ô làm thức ăn cho ấu trùng ong tò vò. Một số phân loài của chúng, chuyên săn ấu trùng của sâu bướm. Trước khi bịt kín tổ, ong mẹ tích cực đi bắt và gom về những con sâu béo múp, làm tê liệt chúng và lấp đầy khoang tổ, ong trưởng mẹ sẽ đẻ một quả trứng vào ô trống, nó sau đó bịt kín tổ lại rồi bỏ đi.
Khi ấu trùng nở, chúng sẽ bắt đầu tìm đến và ăn những con mồi có sẵn do mẹ nó để lại. Vòng đời của ong có thể kéo dài từ vài tuần đến hơn một năm, từ khi trứng nở cho đến lúc trưởng thành.