Hồi nhỏ, cứ vào cuối tháng bảy, đầu tháng Tám âm lịch, trời đang nắng chang chang bỗng đâu mây đen từ phía biển ùn ùn kéo lên thật nhanh. Mẹ bảo: “Tháng tám rám đâu mưa đấy”. Nước lênh láng khắp nơi báo hiệu mùa ‘ Cá rô dậy đồng ‘, mùa của ký ức tuổi thơ tràn về theo những chú cá rô đồng vàng óng.
Xem thêm:
Trời mưa thì mặc, nhưng không nói ra, lũ trẻ trong xóm đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc săn bắt vô cùng thú vị và khôi hài: Bắt cá rô đồng rạch lên bờ cỏ.
Mưa xuống, ào ạt trút nước theo từng khu vực chứ không rải trên diện rộng như những cơn mưa mùa khác, nước ao hồ dềnh lên. Ngày trước bờ ao đầm xập xệ, cỏ mọc rậm rì, lũ cá rô béo núc đón nước mới, giương vây vọt lên bờ, đi ngược nước tìm chỗ đẻ. Chúng dùng vây làm phương tiện di chuyển từ ao nọ sang ao kia, trườn bò lổm ngổm trên mặt cỏ, bờ ao.
Lúc này là cánh trẻ con chỉ chực trốn nhà đi bắt cá rô rạch. Câu nói của các cụ “Bắt cá hai tay, chẳng được tay nào” có lẽ xuất phát từ công việc này. Bởi nhiều anh tham lam, thấy cá rạch lên, bò cả đàn trên bờ cỏ, vội dùng cả hai tay để bắt. Nào ngờ nắm vào vây cá rô sắc như hàng trăm mũi kim, vội kêu oai oái mà bỏ cả hai tay ra.
Muốn bắt cá rô rạch, lũ trẻ phải chuẩn bị “đồ nghề”. Vật dụng hữu hiệu nhất là một cái rế tre bắc nồi và một cái giỏ hoặc xô, nhìn thấy cá rạch là dùng cái rế chụp lên, nhanh tay khéo léo đè đầu cá rồi bắt cho vào giỏ từng con một. Chớ thấy cá rạch theo cả đàn mà tham, kẻo “xôi hỏng bỏng không”, bởi cá rô đồng luôn giương vây nhọn hoắt khi rạch ngược lên bờ.
Mùa mưa lũ dần qua đi, những cánh đồng ngập nước đã lộ bờ. Nước cạn, Cá rô đồng gom về dày đặc trong các thửa ruộng mới gặt, những con mương chao nước, chúng đớp móng lao xao cả mặt nước. Đi câu cá rô đồng mùa này là sướng nhất, cá vừa to-vừa béo, lại vừa nhiều. Xách cây cần trúc, chạy ù ra đồng, loáng một cái là đã có cả rổ cá mang về.
Ngày ấy, không có những cây cần câu đẹp như bây giờ. Lũ trẻ con chỉ biết lang thang kiếm tìm những cây tre trúc nhỏ về làm cành câu. Thằng lười thì cứ để thế, vuốt sơ là xách đi câu liền. Đứa nào tỉ mẩn thì hơ lửa uốn kẹp – lau vuốt bóng loáng uốn cong cho ra cây cần vàng ươm và dẻo quẹo, trông cũng thật đẹp.
Lũ rô ron háu ăn lớn nhanh như thổi bởi nguồn thực phẩm dồi dào đồng lũ, có con đã trở thành những chú rô mề ; Đám nhỏ thường hay gọi chúng là rô cụ, trông chắc lẳn – đen nhánh và dài thượt, thoáng nhìn lấp ló dưới nước không biết là cá rô hay cá lóc.
Ngày đó cá rô được chế biến dùng làm nhiều món ăn ngon lắm! Đơn giản thì cá rô đồng chiên giòn chấm nước mắm me hay cá rô nướng chấm muối ớt vừa ăn vừa thổi ngay trên đồng. Cầu kỳ một chút thì gỡ thịt, giã xương… nấu bát canh với rau hái ngay trong vườn.
Cái giống cá rô này thiệt lạ, nấu canh với rau gì cũng ngon. Thôi thì đủ các loại canh: cá rô đồng nấu rau cải, cá rô đồng nấu rau ngót, cá rô đồng nấu rau đay-mùng tơi, cá rô đồng nấu khoai từ, cá rô đồng nấu dưa chua…loại nào húp nước cũng ngọt lừ thơm béo ngấm tới tận chân răng. Người cầu kỳ thì chịu khó làm những món đặc sản danh tiếng như: Xôi cá rô, miến – bánh đa hay bún cá rô đồng…
Vào tiết cuối xuân – đầu hè, mùa nước nổi đã rời xa, nhường chỗ cho mùa khô hạn. Bèo tụ về phủ kín trên các con kênh rạch thủy lợi. Lúc này muốn câu cá rô đồng, phải móc được một lỗ giữa rừng bèo dày đặc. Búng một chút trứng kiến xuống lỗ rồi ôm cần kiên nhẫn chờ đợi, một vài chú rô đã bắt đầu lấp ló, mon men lại cái lỗ táp những xác kiến nổi lơ vơ trên mặt nước.
Bắt đầu câu được rồi đấy! Cá rô đồng mùa này to nhưng không béo, người dài thòong như cá rô đực vì không có thức ăn…
Đồng ruộng đã khô cằn cạn nước, đi đâu đó qua ruộng lúa, căng tai để ý nghe thấy tiếng quẫy lóc róc đâu đó, chịu khó tìm có khi thấy một vũng nước còn xót đặc nghẹt lũ rô, chỉ việc nhặt cũng có khi được vài rổ.
Con cá rô đồng gắn liền với ruộng đồng, kênh rạch Việt Nam qua nhiều đời nay, thậm chí đã trở thành phong vị, một nét văn hóa của nhiều địa phương.