Cò mỏ giày ( Balaeniceps rex ), là một loài chim rất lớn. Chúng được tìm thấy ở vùng nhiệt đới phía đông Châu Phi trong các đầm lầy lớn từ Sudan đến Zambia.
Xem thêm:
Mô tả
Có mỏ giày có chiều cao trung bình từ 110 đến 140 cm, một số có thể cao đến 152cm. Chiều dài từ đuôi tới mỏ có thể dao động khoảng 100 đến 140 cm, sải cánh rộng từ 230 đến 260cm và nặng từ 4 đến 7 kg.
Không chỉ có cơ thể lớn, mà điểm đáng chú ý hơn ở loài này là cái mỏ, đúng như cái tên cò mỏ giày, mỏ của chúng rất to và dày – dài từ 18 – 24 cm và đây cũng là cái mỏ to xếp ở vị trí thứ 3 trong thế giới các loài chim cò lớn, còn dài hơn cả mỏ của loài bồ nông thông thường.
Mỏ cứng giống như xương được cấu tạo từ chất keratin. Đầu mỏ cong quặp xuống sắc nhọn, giúp săn bắt con mồi cũng như loại bỏ các thảm thực vật khá hiệu quả, sau khi con mồi bị bắt.
Đôi chân sẫm màu và khá dài, bàn chân dài từ 21 đến 25 cm, riêng ngón chân giữa đã dài đến 18 cm. Với đôi chân này, giúp loài chim này đứng vững trên các thảm thực vật dưới nước khi săn bắt. Tuy nhiên, phần cổ khá ngắn và không được dài như mỏ và chân.
Bộ lông của cò mỏ giày trưởng thành có màu xanh xám và sẫm, trên cánh có thêm màu nâu đen. Khi bay cổ của chúng rụt lại, tốc độ bay khá chậm và khoảng cách bay cũng khá ngắn, thường chỉ từ 100 đến 500 m, các chuyến bay dài cũng có thể diễn ra nhưng rất hiếm.
Môi trường sống
Cò mỏ giày sinh sống chủ yếu tại các đầm lầy nước ngọt ở châu Phi. Loài chim này có số lượng lớn nhất ở các tiểu vùng Tây sông Nile và các vùng lân cận phía Nam Sudan. Chúng gần như không di cư, bởi các chuyển động theo mùa do sự sẵn có của nguồn thực phẩm.
Chúng có vẻ thích các vùng nước bị oxy hoá, nơi mà cá thường xuyên ngoi lên để hít thở.
Săn mồi
Tuy cơ thể to lớn và trọng lượng khá nặng nhưng nhờ vào ngón chân dài, nên chúng vẫn có thể đứng trên thảm thực vật nổi để săn mồi.
Không như các loài chim cò lớn khác, ngoài cặp mắt, chúng còn sử dụng xúc giác để săn mồi. Nhưng cò mỏ giày thì chỉ duy nhất sử dụng đôi mắt. Khi con mồi được nhìn thấy, nó sẽ phát động một cuộc tấn công nhanh và mạnh mẽ.
Tuỳ thuộc vào kích thước của con mồi, công việc xử lý sau khi con mồi bị bắt có thể lên đến 10 phút trước khi nuốt. Khi cò mỏ giày thực hiện các động tác tấn công, thì mức độ thành công lên đến tận 60%.
Cò mỏ giày là loài ăn tạp, nhưng thức ăn chủ yếu vẫn là các loài động vật có xương sống ở vùng ngập nước. Bao gồm cá chình, cá rô phi, các loài cá da trơn, ếch, rắn nước, cá sấu con, rùa, ốc sên, chim nhỏ và cả loài gặm nhấm.
Với cái mỏ rộng, cò mỏ giày thường nhắm tới các con mồi lớn, đối với cá thường có chiều dài từ 15 đến 50 cm và nặng khoảng 500 g. Đôi khi, chúng được phát hiện có hành vi nhấc bổng một con vịt to lên bằng cái mỏ khoẻ mạnh.
Sinh sản
Thói quen sinh sống đơn độc ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề sinh sản. Mật độ các tổ thường ít hơn 3 tổ cho 1 km2. Công việc làm tổ thường bắt đầu ngay sau khi mùa mưa kết thúc, và cả chim bố mẹ cùng tham gia vào công việc làm tổ.
Kích thước tổ có chiều dài từ 1 đến 1,7 m và được làm trên các thảm thực vật bị chìm một phần trong nước. Nguyên liệu chủ yếu là các thực vật thuỷ sinh. Tổ rất chắc chắn và có thể chịu được trọng lượng của một người đàn ông.
Cò mỏ giày di chuyển khá chậm chạp, chúng rất nhạy cảm với các hoạt động xáo trộn của con người và có thể rời bỏ tổ nếu con người làm chúng kích động.
Chim mẹ sẽ đẻ từ 1 đến 3 trứng trong một mùa, cả chim bố và mẹ cùng thay phiên nhau ấp trứng trong khoảng 30 ngày. Khi trứng chuẩn bị nở, chim bố mẹ bắt đầu mang thức ăn về dự trữ sẵn trong tổ
Các chim non sau khi nở, được cả 2 cha mẹ chăm sóc khoảng 105 ngày đủ lông cánh, và thêm khoảng 7 ngày nữa để chúng có thể bay tốt. Sau khi biết bay, chúng vẫn sẽ ở cùng cò mỏ giày bố mẹ thêm khoảng 1 tháng nữa, hoặc lâu hơn trước khi chúng có cuộc sống hoàn toàn tự lập.
Tuổi thọ
Cò mỏ giày có thể sống đến 35 năm.
Tài liệu tham khảo: