Cua dừa ( Birgus latro ) là một loài cua ẩn sĩ sinh sống trên cạn, và chúng cũng là một loài chân đốt sinh sống trên cạn lớn nhất thế giới.
Xem thêm:
- Cua biển – loài động vật ăn thịt đồng loại để tồn tại
- Cua đỏ Đảo Giáng Sinh & Bí Ẩn Đàn Cua Hàng Triệu Con Di Cư
Trọng lượng cơ thể chúng có thể lên đến 4.1 kg, chiều dài cơ thể tính từ chân này sang chân kia lên đến 1m.
Phân bố
Chúng được tìm thấy nhiều ở Indonesia, trên các hòn đảo Ấn Độ Dương và một số khu vực khác, kể cả những nơi có con người cư trú như tại vùng đất liền ở Úc và Madagascar.
Mô tả
Cua dừa cho thấy sự thích nghi khá tốt với cuộc sống trên đất liền, các cua dừa con sử dụng các vỏ sò để bảo vệ cơ thể, còn cua dừa trưởng thành thì phát triển một bộ khung xương bên ngoài rất cứng để bảo vệ.
Cua dừa có các cơ quan được biết đến như là phổi để hô hấp, chính vì vậy mà khi ngâm cua dừa trưởng thành trong nước đủ lâu, nó có thể bị chết chìm. Khứu giác của chúng phát triển khá tốt, điều này giúp chúng tìm kiếm nguồn thức ăn dễ dàng hơn.
Cua dừa cũng có cấu tạo cơ thể cơ bản như những loài giáp xác mười chân khác: Phần đầu ngực, có 10 chân và bụng. Hai chân trước có kìm lớn cứng và khoẻ để lấy thức ăn từ những trái cây cứng như quả dừa, cặp càng này có thể nâng vật nặng tới 29 kg. Hai chân tiếp theo rất lớn, thích hợp với việc trèo cây (dừa) lên đến độ cao 6 m. Cặp chân thứ 4 nhỏ hơn, có dạng cái nhíp, giúp cua con kẹp chặt vỏ ốc hay vỏ dừa để nương náu.
Còn cua trưởng thành dùng cặp chân thứ 4 để đi và leo trèo. Cặp chân cuối cùng rất nhỏ, chỉ dùng để làm sạch bộ phận hô hấp, được giấu vào bên trong mai. Màu sắc của cua thay đổi tùy theo từng khu vực, hoặc tím nhạt, cho đến tím than và nâu.
Cua dừa không mang theo vỏ, nhưng phần giáp ở bụng được làm cứng bằng kitin và đá phấn lắng đọng. Phần giáp đó sẽ bị rụng đi định kì (khoảng 30 ngày). Trong giai đoạn đó chúng rất yếu nên tìm nơi an toàn để trú ẩn .
Cua dừa ăn gì?
Thức ăn của chúng chủ yếu là các loài trái cây, các loại hạt, và phần lõi của cây bị đổ ngã. Tuy nhiên nó cũng ăn những chất rữa và chất hữu cơ khác một cách cơ hội, nó còn bắt cả chuột và chim để ăn.
Loài này được phổ biến liên quan đến dừa, chúng leo lên cây dừa và ăn quả dừa bằng cách bổ vỏ rồi ăn cơm dừa.
Tuy nhiên, dừa không phải là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của chúng.
Tập tính
Chúng sống ở các hang sâu hoặc kẽ đá, tùy thuộc vào địa hình. Cua đào tổ ở trong cát hoặc đất tơi xốp. Suốt cả ngày, chúng ẩn mình đi, tránh kẻ thù và sự mất nước. Tổ cua dừa có chứa các sợi dừa rất chắc chắn, lót làm ổ.
Khi nghỉ ngơi trong tổ, cua dừa lấp lối vào bằng càng để tạo ra độ ẩm cần thiết trong tổ, nhưng vẫn ổn định lượng oxy giúp nó có thể thở được. Ở những khu vực có nhiều cua dừa, chúng ra ngoài vào ban ngày (đặc biệt là khi trời nồm hoặc có mưa), vì lúc này có lợi thế tìm kiếm thức ăn và dễ hô hấp.
Nguy cơ
Cua dừa trưởng thành thường không có kẻ thù sinh học ngoài các con cua dừa khác và con người. Kích thước lớn và chất lượng thịt tốt, điều này đã làm cho chúng bị săn bắt rộng rãi và trở nên hiếm hoi trên những hòn đảo có con người sinh sống. Người Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho rằng ăn cua dừa giúp họ tăng khả năng giường chiếu, điều này đã làm đe doạ sự sống còn của cua dừa trong khu vực.
Cua dừa bị săn bắt bất cứ nơi nào chúng tiếp xúc với con người, tuy nhiên gần đây loài này cũng đã được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặc trong một số khu vực, với mỗi con cua dừa bị bắt hoặc bị ăn thịt, người vi phạm sẽ bị trừng phạt rất nặng.
Sinh sản
Việc giao phối sẽ diễn ra trên vùng đất khô ráo từ tháng 5 đến tháng 9, cua dừa cái sẽ trở lại các bờ biển để thả trứng. Một thời gian ngắn sau khi giao phối, con cái đẻ trứng và gắn vào dưới bụng. Những quả trứng được thụ tinh sẽ được cất ở đó vài tháng. Trong giai đoạn ấp trứng (tháng 10 – 11), cua cái thả trứng vào nước trong lúc thủy triều lên. Lúc này Ấu trùng thuộc loại giáp xác.
Ấu trùng cua dừa trôi nổi trên đại dương trong khoảng 3-4 tuần, và rất nhiều trong số đó bị ăn thịt. Sau đó, chúng sống ở thềm đại dương hoặc bờ biển, dùng những vỏ ốc rỗng để trú tạm tiếp khoảng 3-4 nữa. Thỉnh thoảng chúng cũng ghé thăm đất liền. Ấu trùng đổi vỏ liên tục khi lớn dần lên, giống như các loài “mượn hồn” khác. Cuối cùng, chúng rời bỏ biển cả vĩnh viễn và mất khả năng thở trong nước.
Cua con không thể tìm được vỏ sò, ốc, hến nào vừa vặn nên thường dùng vỏ dừa vỡ. Đến khi vỏ dừa cũng không phải là nơi trú ẩn nữa, chúng mới phát triển phần giáp bụng. Sau khoảng 4 năm tuổi, chúng có thể sinh sản tiếp. Đó là giai đoạn phát triển dài bất thường đối với loài giáp xác.
Tuổi thọ
Tuổi thọ trung bình của loài cua dừa lên đến 60 năm, tính qua tất cả các giai đoạn từ khi chúng ra đời.